Đề nghị tăng vốn cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn Bạc Liêu
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận về Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Tại buổi làm việc, báo cáo tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu cho biết đợt 1, đã kiểm đếm xong tài sản trên đất (94/94 đối tượng) và ảnh hưởng 16 căn nhà.
Hiện nay, Sở đang tiến hành lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đợt 1) đối với 94 đối tượng và gửi báo cáo xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, nhà, vật kiến trúc, nhân khẩu và hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp của từng đối tượng bị ảnh hưởng dự án đến UBND xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A.
Đợt 2, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 74 hộ và ảnh hưởng 17 căn nhà. Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất đã bàn giao mốc cho Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) trích đo địa chính phục vụ cho công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ.
Dự toán tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cả 2 đợt là hơn 250 tỷ đồng (tăng so với tổng mức đầu tư hơn 97 tỷ đồng). Do đó, Sở đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận trình bổ sung vốn tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, ở đợt 1, Ban QLDA phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, đồng thời xác định giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường dự án đã thông qua. Hội đồng bồi thường dự án đã chấp thuận và hoàn thiện giá đất trình Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh phê duyệt.
Để dự án được triển khai theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị tỉnh Bạc Liêu sớm có Quyết định phê duyệt tiểu dự án GPMB và có Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án (bao gồm cả nhiệm vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật).
Bên cạnh đó, triển khai thủ tục chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án theo quy định pháp luật; mở tài khoản tại kho bạc, thông báo cho Ban QLDA Mỹ Thuận trước 31/7/2022.
Cùng với đó, lập kế hoạch giải ngân vốn năm 2022 và năm 2023; công bố xây dựng giá VLXD và chỉ số giá đầy đủ, kịp thời, phù hợp với thị trường…
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Cận cho biết, tỉnh sẽ phấn đấu bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA Mỹ Thuận trong năm 2022. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh đăng ký và giải ngân vốn theo kế hoạch được giao; huyện Hồng Dân phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án để có phương án tái định cư; các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Mỹ Thuận thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để dự án sớm được triển khai theo đúng kế hoạch.
Đối với các công trình hạ tầng điện, viễn thông, cấp nước bị ảnh hưởng bởi dự án, các đơn vị liên quan được yêu cầu phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận lên kế hoạch thực hiện việc di dời và có phương án tạm thời cho người dân sử dụng trong quá trình thi công Dự án. Trong quá trình triển khai nếu khi phát sinh vướng mắc, các đơn vị phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh và QLDA Mỹ Thuận để tháo gỡ kịp thời...
Dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau mang tính kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương có dự án đi qua.
Dự án có điểm đầu kết nối vào tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, vào vị trí cầu Cần Thơ 2, đi song song cùng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ (theo quy hoạch) đến vị trí ga Cái Răng và giao với tuyến quốc lộ 91 (tuyến Nam Sông Hậu).
Sau đó, tuyến tiếp tục đi theo hướng đông nam, giao với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sau đó đi thẳng song song về bên phải Quản lộ Phụng Hiệp (cách TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang 10km), tiếp tục đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, kết thúc tại điểm giao với đường Vành đai 3, TP. Cà Mau. Đoạn đi qua Bạc Liêu dài 7,7km.