Để Thủ Thiêm là đất lành thu hút 'sếu đầu đàn'

Theo quy hoạch chung đến 2040 của TP.Thủ Đức, Thủ Thiêm không chỉ là “điểm nhấn” mà còn được xác định trở thành trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế của TP. HCM và khu vực.

Thủ Thiêm: Trung tâm tài chính mới

Những cư dân lâu năm ở TP. HCM hẳn từng biết Thủ Thiêm – TP. Thủ Đức vốn là vùng bưng bao quanh bởi dừa nước, gò tràm và sông rạch chằng chịt.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ý tưởng quy hoạch Thủ Thiêm xuất hiện lần đầu vào năm 1968 bởi Công ty tư vấn Doxiadis Assocciates (Hy Lạp). Dự định thí điểm xây dựng 1.000 căn nhà trên 800ha đất nơi đây, kết nối với trung tâm thành phố bằng cách kéo dài đại lộ Hàm Nghi qua bờ bên kia sông Sài Gòn. Tuyến đường này sẽ hướng thẳng về phía Đông, là tuyến được định hướng phát triển chủ đạo của thành phố khi đó, tạo thành trục chính Đông - Tây nối Sài Gòn – Biên Hòa (Đồng Nai).

"Thời đó, vùng này chỉ có hệ thống kênh rạch tự nhiên chằng chịt nhưng lại chọn giải pháp lấp đất, san nền toàn bộ và thoát nước theo dạng bàn cờ. Việc chỉ để xây dựng nhà ở thì quá tốn kém, nên kế hoạch này đã không thành công", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Quy hoạch các khu chức năng - KĐT mới Thủ thiêm
Quy hoạch các khu chức năng - KĐT mới Thủ thiêm

Năm 1972, một nhóm công ty nước ngoài của Mỹ (Wurster, Bermadi & Emmons) đề xuất quy hoạch Thủ Thiêm – Thủ Đức thành trung tâm tương lai đa chức năng. Thủ Thiêm cũng sẽ được nối với trung tâm thành phố thông qua xây cầu nối với đại lộ Hàm Nghi và cầu nối với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tạo thành tam giác phát triển để hình thành trung tâm mới. Hạn chế của phương án này là tuyến đường huyết mạch vòng cung được thiết kế như đường cao tốc thay vì đại lộ trong đô thị. Như vậy giải pháp này cộng với việc tôn trọng hoàn toàn hiện trạng kênh rạch đã biến bán đảo này thành từng ốc đảo đô thị nhỏ, kết nối kém khi quy mô quá nhỏ để phát triển độc lập.

Đáng chú ý, theo ý tưởng của phương án, đây là lần đầu tiên định hướng khu Đông Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm tài chính mới của thành phố.

Mãi đến năm 1996, khi quyết định quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được phê duyệt, nơi đây mới bắt đầu “chuyển mình” cho những kế hoạch lớn. Theo đó, khu đô thị Thủ Thiêm có tổng diện tích 930ha với 250.000 dân, kết nối với các quận trung tâm (Bình Thạnh, 1, 4, 7) qua một đường hầm và 5 cây cầu. Ngoài ra, Thủ Thiêm còn có một tuyến metro ngầm nối với quận 1 cùng hệ thống xe buýt, xe điện. Thời gian phát triển khu trung tâm dự kiến là 20 năm với 4 giai đoạn.

Năm 2007, Công ty Niken-sake (Nhật Bản) quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm thành 5 phân khu: lõi trung tâm tài chính, khu văn hóa lịch sử, khu thấp tầng, khu bờ Tây sông Sài Gòn và khu lên tầng.

Đối với lõi trung tâm tài chính, TP. HCM kỳ vọng sẽ như hình mẫu Phố Đông – Thượng Hải, đồng thời là hạt nhân trong đề án biến TP. HCM thành trung tâm tài chính cạnh tranh với Singapore, Hồng Kông hay Seoul.

Để Thủ Thiêm là đất lành cho “những con sếu đầu đàn”

Theo các chuyên gia kinh tế, TP. Thủ Đức, trong đó có Thủ Thiêm, đang được cả nước quan tâm, thí điểm xem như là hình mẫu về phát triển của khu vực. Trên cơ sở thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nơi đây sẽ có nguồn nhân lực tiên tiến, giáo dục và khoa học công nghệ hiện đại, chất lượng cuộc sống được nâng cao…

Chính vì vậy, TP. HCM hiện rất chú trọng đầu tư nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển để nơi đây sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo phía Đông của địa phương.

Theo đơn vị tư vấn quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 (liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP, Công ty Encity Urban Solutions Pte.Ltd của Singapore và Công ty Sasaki Associates, Inc của Hoa Kỳ), Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TP. HCM với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 21.100ha. Thủ Đức có định hướng quy hoạch phát triển phù hợp với cấu trúc, phát triển không gian chung không chỉ của địa phương mà cả vùng Đông Nam Bộ.

Mặt khác, đây cũng sẽ là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu TP. HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các khu chức năng trọng điểm như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Thuận An, Dĩ An, Phú Mỹ, Vũng Tàu.

Định hướng quy hoạch cho thấy, TP. Thủ Đức sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP. HCM và quốc gia theo mô hình đa trung tâm, trong đó Thủ Thiêm sẽ là “điểm nhấn” chính của Thủ Đức và cũng sẽ là trung tâm kinh tế tài chính quốc tế theo quy hoạch TP. HCM tầm nhìn đến 2050.

Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm được cấu thành từ 3 thành phần. Một là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng nhằm mục tiêu hội tụ, phát triển toàn diện các dịch vụ, thị trường và tổ chức tín dụng truyền thống, định hình sẽ hình thành các tập đoàn tài chính mới trong tương lai. Hai là thị trường vốn với việc phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, các dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản hỗ trợ nhà đầu tư quốc tế cũng như trong nước. Ba là hình thành Sở Giao dịch và phát triển hàng hóa tại TP. HCM, phát triển hàng hóa phái sinh, đầu tư thứ cấp… kết nối với nhà đầu tư toàn cầu.

Theo kế hoạch, đến 2025, trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính quốc gia vững mạnh; 2026 – 2030 sẽ trở thành trung tâm tài chính của khu vực; sau 2030 là trung tâm tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cấu phần quan trọng nhất trong trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm chính là công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số, từ đó tạo ra đột phá chính sách hướng đến hình thành 100% ngân hàng số. Để làm được điều này, Thủ Thiêm cần có những quyết sách chưa từng có tiền lệ.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng thể chế mới chính là nút thắt quan trọng tạo nên sức hút cho trung tâm tài chính đối với các nhà đầu tư. Trong bối cảnh cần điều chỉnh nhiều nguyên tắc để đột phá thì địa phương phải thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận để thu hút.

Còn theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP. HCM, thành phố nên có hướng đi mở về chính sách; chỉ có đột phá chính sách mới có thể có hướng đi nhanh và lộ trình phát triển vững chắc nhất.

Ông cũng lưu ý rằng, chính sách này là chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ, đặc biệt là “những con sếu đầu đàn” tập trung vào đây để phát triển.

“Cấu phần quan trọng nhất trong trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm chính là công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số, từ đó tạo ra đột phá chính sách hướng đến hình thành 100% ngân hàng số. Để làm được điều này, Thủ Thiêm cần có những quyết sách chưa từng có tiền lệ”.

 

Nam Phương

Theo VietnamFinance