ĐHĐCĐ PAN: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu từ sớm

Chủ tịch PAN cho biết, từ năm ngoái nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thuế, công ty đã tìm các thị trường thay thế, đặc biệt là những nơi khó tính như Nhật Bản, Trung Đông.

 

CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group, HOSE: PAN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào chiều 23/04.
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group, HOSE: PAN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào chiều 23/04.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2025, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc của CTCP tập đoàn PAN (Mã: PAN) cho biết doanh thu thuần đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với quý I/2024, hoàn thành 24% kế hoạch năm (17.256 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, thực hiện được 29% kế hoạch năm (672 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, hoàn thành 16% kế hoạch. Việc lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao cũng đến từ việc các công ty mà PAN nắm tỷ lệ cao đều có tăng trưởng tốt trong quý I: Bibica, Aquatex Bentre, VFC, Vinaseed… tăng trưởng tốt.

Cùng với đó, Tập đoàn tăng tỷ lệ sở hữu tại PAN Farm cũng làm cho lợi nhuận về cổ đông công ty mẹ tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế.

Về cơ cấu doanh thu quý I theo từng lĩnh vực kinh doanh, thủy sản đóng góp 52,3%, nông nghiệp đóng góp 35,3% và còn lại là mảng thực đóng góp 12,3%.

Mảng nông nghiệp có doanh thu thuần quý I tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, chủ yếu đến từ tăng trưởng của VFC, trong khi Vinaseed tăng nhẹ 5%.

Mảng thủy sản doanh số tăng 36%, song lợi nhuận trước thuế giảm 13%. Fimex VN có lợi nhuận giảm 36% nhưng được bù đắp một phần từ tăng trưởng gần gấp 2 tại Aquatex Bentre.

Mảng thực phẩm đóng gói ghi nhận sự suy giảm tại Lafooco, song bù đắp từ tăng trưởng của Bibica, trong khi 584 Nha Trang đạt kết quả quý I/2025 tương đương cùng kỳ

Theo tài liệu ĐHĐCĐ CTCP Tập đoàn PAN, năm 2025, PAN lên kế hoạch doanh thu đạt 17.256 tỷ đồng, tăng 7% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 4% lên 1.210 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 672 tỷ đồng, tăng 10%.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc chia sẻ, trong năm 2025, công ty sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh; mở rộng hệ sinh thái thông qua thương vụ M&A, nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị thành viên; và phát triển bền vững, tiếp tục triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Nếu đạt kế hoạch này, công ty sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%.

Về định hướng kinh doanh, trong năm 2025, đối với lĩnh vực thực phẩm đóng gói, mảng bánh kẹo, công ty dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ động lực từ đẩy mạnh khai thác các thị trường xuất khẩu tại khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...).

Đối với mảng xuất khẩu hạt và hoa quả sấy, kế hoạch tăng trưởng tốt khi việc bán hàng tới các khách hàng Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) phục hồi. Bên cạnh đó việc đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản (bắt đầu khai thác từ 2 năm trước) cũng sẽ là động lực quan trọng trong giai đoạn 5 năm tới.

Về lĩnh vực thuỷ sản, công ty dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động, ít nhất trong nửa đầu năm khi tác động của chính sách thuế từ Mỹ chưa thực sự rõ ràng. Ngoài ra các diễn biến tiếp theo của vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ với ngành tôm cũng có thể mang tới các ảnh hưởng bất lợi đồng thời tạo ra các áp lực cạnh tranh về giá từ các quốc gia xuất khẩu tôm khác.

PAN cho biết năm 2025 được dự báo là một năm với nhiều biến số khó lường trong kinh doanh, đặc biệt là cho hoạt động xuất khẩu, thương mại quốc tế. Lạm phát và lãi suất ở thị trường Mỹ khó giảm như dự tính, gây áp lực lớn tới tỷ giá và lãi suất trong nước.

Chia sẻ về sự tác động từ thị trường Mỹ, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch PAN cho biết, mảng thuỷ sản dự kiến chịu nhiều tác động, đặc biệt là mảng tôm. Trong khi mảng cá tra không tập trung nhiều vào thị trường Mỹ nên tránh được ảnh hưởng.

Tuy nhiên, FMC (công ty con của PAN) đã chuẩn bị trước từ năm ngoái nhằm giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thuế, bằng việc tìm các thị trường thay thế, đặc biệt là những nơi khó tính như Nhật Bản, Trung Đông. Thị hiếu của các thị trường này phù hợp với quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm đóng gói, chất lượng cao. Các sản phẩm chế biến sâu chưa ảnh hưởng và họ chấp nhận trả thêm chi phí tăng lên để mua sản phẩm của Việt Nam. Do đó, kết quả kinh doanh của tập đoàn vẫn tăng trưởng.

Bà Trà My cho biết thêm: “Từ sau đại dịch Covid-19, Công ty đã tái cấu trúc lại thị trường, sản phẩm, tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tại Khang An, Công ty tập trung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt ở Anh. Tại Thực phẩm Sao Ta (FMC), nhà nhập khẩu Mỹ đã thúc đẩy Công ty xuất khẩu nhanh, nhưng mất 45 ngày vận chuyển trên đường, Công ty chỉ có 45 ngày để sản xuất, sản lượng xuất khẩu đạt 80% kế hoạch và sản lượng sản xuất chỉ còn 20% trong ba quý còn lại".

“Tác động thuế ở kịch bản xấu nhất cũng không tác động tới Tập đoàn PAN trong năm 2025, từ năm 2026, Tập đoàn sẽ tăng cường cao cấp sản phẩm, đồng thời hướng tới các thị trường gần hơn”, bà My cho biết thêm.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống