DIC Group lên kế hoạch vay hơn 2.000 tỷ đồng cho 4 "siêu" dự án, đặt mục tiêu lợi nhuận cao "ngất ngưởng"
Trong năm nay, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã CK: DIG) đã lên kế hoạch huy động gần 2.188 tỷ đồng để đầu tư cho 4 dự án tại Vũng Tàu, Hậu Giang, và Vĩnh Phúc.
Dự kiến vay hơn 2.000 tỷ đồng
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thương niên 2023 vừa được DIC Group công bố, doanh nghiệp dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch vay vốn cho hoạt động đầu tư năm nay.
Cụ thể, DIG sẽ chuyển tiếp kế hoạch thu xếp vốn năm 2022 sang năm 2023 cho 4 dự án CSJ giai đoạn 2 (khối khách sạn C3), Khách sạn và Hội nghị DIC Star Vị Thanh, Chung cư DIC Emera (A5) - Khu trung tâm Chí Linh, Nhà ở xã hội thuộc dự án Nam Vĩnh Yên.
Được biết, kế hoạch huy động vốn này đã được cổ đông thông qua tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2022 với tổng hạn mức vốn vay dự kiến gần 1.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về các thủ tục pháp lý nên kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.
Sang năm nay, DIG sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch vay vốn trên, nhưng số vốn huy động sẽ tăng lên gần 2.188 tỷ đồng, do tăng hạn mức vay đối với dự án DIC Emera (A5).
Tờ trình cổ đông về kế hoạch vay vốn của DIG cũng nêu rõ, ngoài kế hoạch thu xếp vốn năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023, doanh nghiệp cũng dự kiến huy động vốn bổ sung cho các dự án.
DIG cho biết, trong năm nay tùy thuộc vào tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý và sự hồi phục của thị trường bất động sản, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định triển khai, thu xếp và bố trí bổ sung nguồn vốn vay phục vụ đầu tư các dự án/ hạng mục.
Cụ thể: đầu tư khối condotel C4 thuộc dự án CSJ (250 tỷ đồng); đầu tư khu thấp tầng thuộc dự án Bắc Vũng Tàu (250 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án Long Tân (1.000 tỷ đồng); đầu tư dự án Lam Hạ và dự án điểm du lịch Hồi Ba Hang tại tỉnh Hà Nam (500 tỷ đồng); đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại dự án Hiệp Phước (Đồng Nai) và dự án Vị Thanh (Hậu Giang) (200 tỷ đồng); đầu tư Chung cư A4 thuộc Khu trung tâm Chí Linh (1.000 tỷ đồng),...
Đồng thời, việc thu xếp nguồn vốn cho các dự án này được thự hiện trên cơ sở đảm bảo phù hợp với tiến độ hoàn thiện pháp lý dự án và có thể điều chỉnh hạn mức vay/phương án vay phù hợp với dự án đầu tư khả thi được duyệt, kết quả thực hiện HĐQT báo cáo ĐHĐCĐ gần nhất.
Đề xuất tăng vốn đầu tư dự án Chí Linh lên hơn 9.600 tỷ đồng
Cũng theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới của DIG, doanh nghiệp cho biết dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm Chí Linh.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án này được đề xuất là hơn 9.624 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 8,6 lần so với mức đầu tư cũ (hơn 1.113 tỷ đồng).
Có thể thấy, việc việc tăng vốn đầu tư dự án lên gấp 8,6 lần thì các hạng mục của dự án cũng tăng lên gấp nhiều lầ. Cụ thể như chi phí đền bù, GPMB là gần 3.570 tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với ban đầu; hay phí quản lý dự án - tư vấn - đầu tư xây dựng cũng tăng gấp 12 lần; lãi vay trong thời gian xây dựng cũng tăng hơn 7 lần.
Theo DIG, nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng sẽ chiếm tỷ lệ 43,05% tổng vốn đầu tư, tương đương gần 4.144 tỷ đồng, còn lại là vốn tự bổ sung của doanh nghiệp.
Về tiến độ thực hiện dự án, đối với phân kỳ 1 (Khu A - quy mô 27,11 ha), công ty dự kiến hoàn thành vào năm 2025, hoặc 36 tháng kể từ khi được Nhà nước bàn giao 100% diện tích đất ngoài thực địa.
Đối với phân kỳ 2 (Khu B - quy mô 40,37 ha) và phân kỳ 3 (Khu D - quy mô 10,66 ha), công ty dự kiến hoàn thành vào năm 2027, hoặc lần lượt 24 tháng và 36 tháng kể từ khi được bàn giao 100% diện tích đất ngoài thực địa.
Đối với phân kỳ 4 (Khu C - quy mô 15,82 ha), công ty dự kiến hoàn thành công tác bồi thường GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào năm 2028, hoặc hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong thời gian 12 tháng kể từ khi được bàn giao 100% diện tích ngoài thực địa. Các công trình kiến trúc kinh doanh sẽ được thực hiện dưới dạng dự án thành phần.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm Chí Linh có vị trí tại phường 10, phường Nguyễn An Ninh, phường Thắng Nhất tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích đất sử dụng của dự án là hơn 99,7 ha, sau khi trừ diện tích Quốc lộ 51B (khoảng 6 ha) thì diện tích thực tế của dự án là hơn 93,7 ha, trong đó phần diện tích đã được bàn giao là hơn 69,5 ha.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, được Bộ Xây dựng phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 vào năm 2009 và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án vào năm 2016.
DIG lên kế hoạch kinh doanh cao “ngất ngưởng”
Ngoài kế hoạch huy động vốn để làm các dự án đang dở dang, DIC Group còn đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 98% so với năm 2022. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đồng, tăng trưởng 604%; cổ tức từ 8 – 15%; vốn điều lệ: 6.500 – 7.000 tỷ đồng.
Cũng nên lưu ý rằng, trong năm 2022 cũng đã “vỡ kế hoạch” kinh doanh khi doanh thu hợp nhất của DIG chỉ đạt 2.012 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế thuế hợp nhất đạt 199 tỷ đồng, chỉ đạt 10,5% kế hoạch.
Lý giải về việc “vỡ kế hoạch” trong năm vừa qua, DIC Group cho biết nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch là vì từ giữa cuối Quý II/2022 đến nay tình hình thị trường bất động sản trầm lắng do tác động của hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải nhấn nút “tạm dừng”.
Các dự án có doanh thu, thu nhập khác, lợi nhuận chiếm tỷ lệ lớn trong năm là Khu Nhà ở Lam Hạ Center Point, Khu Dân Thương mại Vị Thanh - Hậu Giang, 31ha - Đại Phước nhưng bị vướng mắc các thủ tục pháp lý nên chưa chuyển nhượng, chưa hạch toán doanh thu, dẫn đến kết quả kinh doanh hoàn thành thấp. Dự án Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên hoàn thành doanh thu 50,9%.
Quay trở lại với kế hoạch kinh doanh năm 2023 của DIG, doanh nghiệp cho biết, năm nay vẫn sẽ là một năm khó khăn, với một số chính sách thay đổi của Chính phủ, xung đột và các vấn đề địa chính trị trên thế giới sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty. Đồng thời, sức mua bất động sản năm nay được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Dự báo nguồn cung mới năm nay cho thị trường ít, nguồn cung mới chịu ảnh hưởng bởi quy trình thủ tục pháp lý khiến các chủ đầu tư khó triển khai dự án mới.
Với DIG, doanh nghiệp cho biết từ năm 2024-2025, dự báo sẽ khởi sắc hơn nếu được tháo gỡ và bổ sung nguồn thu từ các dự án sau đây: Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh - Hậu Giang (1.000 tỷ đồng), dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc (giai đoạn 1, hơn 1.000 tỷ đồng), dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point - Hà Nam (hơn 1.000 tỷ đồng), dự án điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang (250 tỷ đồng)....