Điện gió ngoài khơi: Cần cân nhắc nhiều vấn đề

Có rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ khi phát triển điện gió như: xây dựng quy hoạch, giá bán điện, phương án truyền tải...

Có rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ khi phát triển điện gió như: xây dựng quy hoạch, giá bán điện, phương án truyền tải...

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có 157 dự án điện gió trên biển đang đề nghị khảo sát phát triển và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc, với quy mô công suất 61.132 MW. Hiện đã có 10/28 địa phương có biển trên cả nước mong muốn phát triển điện gió ngoài khơi. Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá có giải pháp phù hợp.

Đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ, TS Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi là phù hợp và đang trở thành một xu hướng. Tuy nhiên, rất cần phải nghiên cứu, đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nhiều vấn đề. Vì thế, sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ban ngành liên quan sẽ giúp giải đáp, tháo gỡ nhiều vấn đề như: xây dựng quy hoạch, giá bán điện, phương án truyền tải... để có chủ trương phát triển cho hợp lý.

Điện gió ngoài khơi: Cần cân nhắc nhiều vấn đề - Ảnh 1
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng đắn. Ảnh: Trung tâm phát triển sáng tạo xanh

Về quy hoạch, TS Ngô Đức Lâm cho hay, quan điểm chỉ đạo nổi bật tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhấn mạnh phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng; giảm điện than, tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt, điện khí, điện gió... điều này đã thu hút các nhà đầu tư đã đổ xô đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo.

Thế nhưng, tiêu chuẩn, quy chuẩn nào cho kinh doanh, đầu tư, khai thác, phát triển loại hình năng lượng này thì tới nay vẫn chưa được làm rõ.

Kể cả việc xem xét quy hoạch trên mặt biển, quy hoạch dưới đáy biển và quy hoạch trên không cũng phải được đặt ra. Cũng giống như nước, khí, gió cũng là tài nguyên, vì vậy, quy định giá mua gió, cũng như các loại tài nguyên trên như thế nào? Quy định đóng thuế của các nhà đầu tư tham gia đầu tư ở lĩnh vực này sẽ phải được thực hiện như thế nào cũng phải được quy định, xem xét rất cụ thể.

Nhất là dự thảo Quy hoạch điện VIII đang xây dựng, việc xem xét đánh giá đối với loại năng lượng mới này phải được thực hiện rất nhanh, tránh tình trạng hoàn thiện quy hoạch rồi mới bổ sung, chỉnh sửa.

Về công tác quản lý, TS Ngô Đức Lâm khẳng định, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo với tỉ lệ cao là đúng đắn, tuy nhiên cần phải phân tích, đánh giá thận trọng cả những mặt tích cực cũng như tiêu cực từ các loại hình điện tái tạo để có phương án quản lý, sử dụng, khai thác cho phù hợp. 

Thứ nhất về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông lấy ví dụ như điện mặt trời, ngoài lợi thế trong tận dụng năng lượng mặt trời thì vấn đề rác thải, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý pin mặt trời hết hạn sẽ phải làm thế nào? Việc này cũng cần phải nhìn nhận, nghiên cứu xác đáng. Đối với điện gió cũng vậy, cũng có những mặt trái về ô nhiễm, như tiếng ồn, giao thông, rồi kể cả kỹ thuật đều phải rất lưu tâm. 

Ông Lâm cho biết, riêng về kỹ thuật, nếu tăng tỉ lệ phát triển điện năng lượng tái tạo sạch, nó sẽ tác động trực tiếp, thậm chí sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất của hệ thống điện Việt Nam. Bởi, bản chất của năng lượng tái tạo là không ổn định mà phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong khi vấn đề ổn định hệ thống lưới điện là điều kiện số 1 trong phát triển điện lưới quốc gia.

Vì thế, nghiên cứu về mặt trái của điện tái tạo nói chung và điện gió nói riêng để quyết định tỉ lệ phát triển như thế nào là hợp lý là cần thiết nhưng tới nay dường như chưa có được một đánh giá cụ thể. Chưa có cơ sở nào để khẳng định việc giảm điện than, thủy điện từ 46% xuống còn 28%, và tăng điện tái tạo tăng lên 28% là hợp lý hay không hợp lý?

Thứ hai, ông đặt vấn đề trong cách vận hành hệ của thống năng lượng tái tạo, nếu nhà máy nhiệt điện than vận hành chừng 5.000-6.000 giờ/năm, điện gió, điện mặt trời chỉ được chừng 2.000-2.500 giờ/năm, như vậy khoảng thời gian không vận hành phải tính toán như thế nào? Hệ thống dự phòng phải sử dụng ra sao? Cũng là vấn đề lớn phải bàn.

Ông lấy ví dụ, nếu trước đây, hệ thống dự phòng có thể chỉ cần tích trữ khoảng 30 triệu MW, thì bây giờ sử dụng điện tái tạo mức tích trữ dự phòng sẽ phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, đầu tư cho hệ thống dự phòng rất vừa lớn vừa khó khăn, vậy phương án tính toán như thế nào? Bởi mọi chi phí đều được tính toán vào giá thành và như vậy giá điện sẽ tăng lên rất cao.

Thứ ba, theo ông Lâm hệ thống truyền tải điện cũng sẽ hoàn toàn thay đổi. Ví dụ, hệ thống đường dây 500kV đi thẳng từ Bắc tới Nam thì khi khai thác điện gió sẽ lại là đi từ Nam ra Bắc. Như vậy, hệ thống truyền tải cũ sử dụng được rất ít, còn muốn bảo đảm được truyền tải lại phải đầu tư mới rất lớn. Điều này vừa dẫn tới nguy cơ lãng phí, vừa làm tăng chi phí đầu tư.

Thứ tư, phải thay đổi bản chất quản lý của ngành điện. Theo ông Lâm, khi có thêm một loại năng lượng mới vào sử dụng thì phải tạo dựng được một môi trường cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng và bình đẳng.

Như vậy, đòi hỏi phải có thị trường điện lực, xóa bỏ bao cấp trong điều hành, quản lý điện, thay vì EVN quyết định sẽ là do thị trường quyết định. Như hiện nay, điện gió, điện mặt trời chưa được tham gia vào thị trường điện cạnh tranh mà vẫn phụ thuộc vào sự điều khiển của EVN, dẫn tới nhiều bất cập trong quản lý, điều hành. Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo thay vì được bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì nay vẫn phải thông qua EVN làm trung gian. Cách điều hành như trên vừa làm tăng chi phí, mất thời gian, vừa không mang tính thị trường.

Do đó, tới đây vấn đề thị trường điện cũng phải được đặt ra và phải nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể.

Về vấn đề an ninh quốc phòng, TS Ngô Đức Lâm cũng cho hay, dự án điện gió ngoài khơi không chỉ thuần túy là vấn đề năng lượng, mà còn liên quan tới chủ quyền quốc gia, do đó xây dựng quy hoạch điện gió phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng  đầu tiên.

Khu vực nào được phát triển dự án? Khu vực nào phải khoanh vùng bảo vệ để tránh ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc phòng là rất quan trọng, và phải được nói rõ trong quy hoạch tránh tình trạng làm dự án rồi mới chạy theo để sửa.

Vấn đề này còn liên quan tới cả công tác bảo vệ dự án. Ví dụ đơn giản với một dự án điện trên đất liền mà có rất nhiều cơ quan từ địa phương tới trung ương bảo vệ, vậy với một dự án nằm trên biển thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ dự án?

Ngay cả quy chuẩn trong thực hiện các biện phap phòng cháy, chữa cháy cũng phải đưa ra rất cụ thể. 

Trước rất nhiều vấn đề nêu trên, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết. Thông qua chỉ đạo trên, các cơ quan, bộ, ban ngành sẽ phải nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng để khi phát triển một chủ trương vừa tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia nhưng cũng đồng thời có các điều kiện, quy định ràng buộc cụ thể tránh những hậu quả về sau.

Lam Lam

Theo Báo Đất Việt