Đầu tư ồ ạt dự án điện gió: Nỗi lo quá tải đường truyền

Theo chuyên gia, việc phát triển các nguồn điện phải song song với việc phát triển hệ thống truyền tải.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 8,5 Uscents/kWh. Tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39/2018 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 Uscents/kWh). Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ hồi tháng 3/2020 cho hay, trong giai đoạn 2011-2018, chỉ có 3 dự án điện gió được xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 152,3 MW.

Nhưng sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, tính tới tháng 3/2020, đã có tổng cộng 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực.

Tiếp đó, đến tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện. Trong văn bản hồi tháng 9/2020, Bộ Công thương lại tiếp tục đề nghị bổ sung 6.400 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Việc ồ ạt phát triển điện gió để hưởng mức giá ưu đãi là điều dễ hiểu, song nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng này sẽ khiến nguy cơ quá tải đường truyền lặp lại, giống như câu chuyện điện mặt trời quá tải tại Ninh Thuận và Bình Thuận năm 2019.

Đầu tư ồ ạt dự án điện gió: Nỗi lo quá tải đường truyền - Ảnh 1
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ồ ạt xin làm dự án điện gió để hưởng ưu đãi giá mua điện cao

PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, khi nguồn điện phát triển thì phải phát triển đồng thời cả hệ thống truyền tải.

Bên cạnh đó, đối với điện gió trên biển, bên dưới trụ điện gió có hệ thống cáp, dây nối, nếu làm ở ven bờ rất khó cho bà con nuôi trồng ngao, sò, hải sản.

Bên cạnh đó, sự không ổn định của gió sẽ làm gia tăng sự không ổn định trong cung cấp điện. Theo đó, sản lượng điện phát ra của các tua bin gió phụ thuộc hoàn toàn vào sức gió - một đại lượng rất không ổn định. Công suất phát điện của tua bin gió tỷ lệ bậc 3 với tốc độ gió. Tua bin gió quay nhiều nhưng lượng điện năng phát ra không đáng kể.

"Tuy là công suất đặt  lớn nhưng điện năng phát ra không tương ứng, chỉ bằng 10%", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Dù vậy, PGS.TS Lê Văn Doanh khẳng định, lượng gió ngoài khơi của Việt Nam rất dồi dào, nếu có điều kiện nên phát triển, nhất là hiện nay Việt Nam vẫn lo thiếu điện.

Trong khi đó,  ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) tỏ ra lạc quan với sự phát triển của điện gió.

Đối với nỗi lo quá tải đường truyền, ông cho biết, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát, cập nhật các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, chặt chẽ, khoa học, đồng bộ nguồn và lưới điện, hiệu quả kinh tế chung; kiên quyết chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng “xin - cho” các dự án. Bộ Công thương cũng chịu trách nhiệm toàn diện về các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

"Bộ Công thương phải làm hai việc, đó là: bổ sung quy hoạch hiện tại và lập Quy hoạch Điện VIII, quy hoạch từng nguồn năng lượng thế nào, đường dây truyền tải ra sao... Bộ đều phải tính toán kỹ càng. Trong Quy hoạch điện VIII cũng đã tính bổ sung công trình lưới điện để giải tỏa công suất các nguồn điện, truyền tải điện từ Nam ra Bắc, thay vì chỉ truyền tải từ Bắc vào Nam như trước đây", ông Trần Đình Sính cho hay.

Khẳng định điện gió ngoài khơi không ảnh hưởng đến môi trường biển cũng như đi lại của tàu thuyền, Phó Giám đốc GreenID chỉ lưu ý một điểm, tua bin gió làm bằng sợi carbon, hiện chưa tái chế được. Tuy nhiên, tính theo vòng đời của một dự án điện gió, Việt Nam vẫn còn mấy chục năm để tìm ra giải pháp xử lý. Trong giai đoạn này, cơ quan chức năng cần lưu ý, có chính sách, hướng dẫn kỹ thuật.

"Quy hoạch điện VIII hết năm nay phải xong. Phát triển điện gió cũng phải 30-40 năm nữa, vì thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định đối với điện gió đến tháng 10/2021 là hết hạn, sau đó Bộ Công thương sẽ phải đưa ra cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió  điện. Cho nên, tôi tin rằng từ giờ đến tháng 10/2021, nếu Việt Nam có làm điện gió cũng chỉ được một vài dự án không đáng kể, thậm chí không được dự án nào", ông Sính nói.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt