Điều gì khiến thị trường bất động sản miền Trung “chiếm sóng” đầu tư năm 2022?
Sở hữu lợi thế về tự nhiên và vị trí địa lý cùng dư địa khai thác lớn, miền Trung đang trở thành điểm đến hàng đầu của giới đầu tư bất động sản. Năm 2022, thị trường bất động sản nơi đây hứa hẹn sẽ trở nên sôi động.
Mức độ quan tâm tăng vọt 14% trong quý I/2022
Nếu như năm 2021, miền Bắc được đánh giá là điểm sáng của thị trường bất động sản khi liên tục có các dự án lớn được triển khai xây dựng, hàng loạt các nhà đầu tư đổ về, giá bất động sản và mức độ quan tâm không ngừng tăng cao thì từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã ghi nhận sự chuyển dịch rõ rệt.
Được biết, các tỉnh ven biển miền Trung là cái tên sáng nhất trong quý I/2022 vừa qua. Cụ thể, theo Báo cáo công bố thị trường bất động sản quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, khu vực miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng vọt lên 14% trong khi khu vực miền Bắc và miền Nam lại có xu hướng giảm.
Sự quan tâm này tập trung ở các tỉnh như: Bình Thuận tăng 44%, Khánh Hoà tăng 48%, Đắk Lắk tăng 58%, Quảng Nam tăng 14%, Thanh Hoá tăng 6%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, giai đoạn 2020 - 2021, sự quan tâm dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc và lân cận khu vực Hà Nội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 sự quan tâm đang có xu hướng dịch chuyển sát hơn về khu vực miền Trung.
Cùng với sự quan tâm, dòng tiền đầu tư đổ về đây cũng ngày càng nhiều. Trong đó, dòng tiền đầu tư lớn chủ yếu đến từ khu vực phía Bắc và có sự góp mặt của khu vực phía Nam nhưng ít hơn. Dòng tiền này đi theo thông tin quy hoạch nổi bật, thông tin triển khai các dự án hay các chủ đầu tư lớn đầu tư vào khu vực nào...
“Chính điều này đã thu hút các nhà đầu tư, đẩy giá bất động sản khu vực đó tăng lên. Lấy dẫn chứng tại Thanh Hoá, mức độ quan tâm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ nhưng mức giá tăng tới 35% nhờ nhiều thông tin quy hoạch tại trung tâm thành phố, cùng với đó là sự tham gia của những tập đoàn lớn…”, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, các tỉnh ven biển miền Trung đang là điểm đến của nhiều chủ đầu tư tên tuổi với loạt dự án nhà ở, nghỉ dưỡng cũng như khu công nghiệp lớn.
Đơn cử như tại tỉnh Khánh Hoà, đầu năm 2022, Tập đoàn Vingroup vừa có báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6/2023 dự án khởi công và sau hai năm khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Hay Tập đoàn FPT cũng vừa đề xuất 3 dự án dự kiến đầu tư tại tỉnh này. Bao gồm: Khu đô thị công nghệ và giáo dục FPT tại xã Phước Đồng - Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) quy mô 150ha; Trung tâm chuyển đổi số và đô thị dịch vụ tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang Bắc Vân Phong quy mô 350ha; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng của các chuyên gia ở khu vực Hồ Na - Mũi Đôi (vịnh Vân Phong) quy mô 360ha.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa có văn bản đồng ý cho CTCP Tập đoàn Crystal Bay nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực thuộc huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings cũng đề xuất ý tưởng quy hoạch một số khu vực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Thu hút dòng tiền nhờ lợi thế lớn, dư địa cao
Theo các chuyên gia, có được mức độ quan tâm tăng vọt cùng dòng tiền đổ về ngay từ những tháng đầu năm 2022 là nhờ tiềm năng, lợi thế sẵn có của khu vực miền Trung. Vốn sở hữu nhiều lực đẩy song thị trường này chưa được khai thác nhiều nên dư địa còn rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, thị trường miền Trung đa phần còn ở mức độ rất sơ khai, chủ yếu là đất và đất nền. Thị trường chưa được trải nghiệm và chưa có nhiều loại hình bất động sản. Do vậy tiềm năng để phát triển bất động sản tại khu vực này rất cao. Ngoài ra, mức giá bất động sản tại khu vực miền Trung đang thấp hơn nhiều so với miền Bắc và miền Nam. Do đó, dòng tiền thông minh đang tìm cơ hội đầu tư đến những vùng đất mới này.
“Ví dụ thị trường miền Nam từ năm 2014 đến giai đoạn 2017 - 2018 mặt bằng giá lên rất cao. Sau giai đoạn xuất hiện dịch bệnh, thị trường dịch chuyển sang miền Bắc. Song, khi nhìn thấy cơ hội ở miền Trung, đặc biệt là việc triển khai gói đầu tư công và triển khai cơ sở hạ tầng tại khu vực trải dài từ Bắc xuống Nam, nổi bật là khu vực miền Trung thì mức độ quan tâm ở đây đã tăng cao.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho khu vực miền Trung tăng giá ở mức độ vừa phải, cộng với thị trường có nhiều tiềm năng là những yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư tại khu vực này”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, do thị trường đang ở giai đoạn đầu, để phát triển một cách hài hòa nhất thì phải tránh giảm thiểu việc chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, hạn chế phân lô, bán nền.
“Rõ ràng nếu thị trường chỉ có một loại hình duy nhất mà đang “nóng” thì người đi bán đất nền rất nhiều, từ đó ảnh hưởng đến quy hoạch. Nếu sự quy hoạch không hợp lý ngay từ đầu thì sau này sẽ rất khó để người dân mua bất động sản vì giá cao, trong khi mặt bằng thu nhập của miền Trung không thể bằng miền Bắc và miền Nam”, ông Quốc Anh nói.
Tại Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”, PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, miền Trung là khu vực vốn có lợi thế du lịch và nhiều tỉnh thành phát triển mạnh về du lịch. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt dự án phải dừng hoạt động… Dù vậy, trong vài tháng trở lại đây, dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát và cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ khu vực miền Trung đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ.
“Khu vực này có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Minh chứng là dọc đường biển, các cảng đẹp nhất đều ở miền Trung. Với những đặc điểm như thế, tôi cho rằng để tạo nên thành công, miền Trung nên tiếp cận theo hướng phát triển du lịch đẳng cấp. Với cách tiếp cận như vậy, tôi tin rằng bất động sản miền Trung sẽ là thị trường “bùng nổ” mạnh mẽ hơn trong tương lai,” ông Thiên nhấn mạnh.
Về vấn đề quy hoạch phát triển, ông Thiên cho rằng, để khu vực miền Trung phát triển bền vững thì cần lưu ý đến việc tiếp cận quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể để có sự phát triển nhất quán và theo tầm nhìn sâu rộng hơn./.