DKRA: Nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đến cuối năm

Bức tranh chung cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 8/2022 của DKRA cho thấy loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đến cuối năm.

Theo Báo cáo thị trường bất động sản tháng 8/2022 của DKRA, trong những tháng tiếp theo, nếu điểm nghẽn về kiểm soát tín dụng không được tháo gỡ dự kiến nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng.

Về biệt thự nghỉ dưỡng, DKRA nhận định, nguồn cung sụt giảm đáng kể so với tháng trước, tập trung cục bộ tại một số dự án ở khu vực Miền Nam và Miền Trung – chiếm 90% tổng nguồn cung mới.

Nguồn cung và tiêu thụ căn hộ theo tháng trên phạm vi cả nước. Nguồn: DKRA.
Nguồn cung và tiêu thụ căn hộ theo tháng trên phạm vi cả nước. Nguồn: DKRA.

Các chính sách về kiểm soát tín dụng, tăng lãi suất cho vay tác động mạnh mẽ đến thanh khoản thị trường khiến sức cầu giảm mạnh và ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Lượng quan tâm và giao dịch các dự án có dấu hiệu chững lại.

Những dự án phát triển theo mô hình khoáng nóng onsen ghi nhận tình hình bán hàng khả quan hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 2% so với tháng trước. Tuy nhiên, kèm theo đó là những chính sách như cam kết mua lại, cam kết lợi nhuận, chia sẻ lợi nhuận,… của các chủ đầu tư nhằm kích cầu thị trường.

Trong những tháng tiếp theo, nếu điểm nghẽn về kiểm soát tín dụng không được tháo gỡ dự kiến nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm và tập trung chủ yếu ở những địa phương quen thuộc như Bình Thuận và BR – VT.

Đối với Nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, trong tháng 8, nguồn cung mới gấp 1.8 lần so với tháng trước, chỉ tập trung ở 03 tỉnh Bình Thuận, Phú Quốc (Kiên Giang) và BR–VT. Trong đó, nguồn cung mới tại Bình Thuận chiếm 79% nguồn cung mới toàn thị trường với 471 căn từ 02 dự án quy mô lớn. Sức cầu tăng nhẹ.

Nguồn: DKRA.
Nguồn: DKRA.

Lượng tiêu thụ tháng 8 tăng 13% so với tháng trước, tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới chỉ đạt 27%. Mặt bằng giá nhìn chung vẫn ổn định so với tháng trước, dao động từ 7.2 – 59.8 tỷ đồng/căn. Các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra các phương án thanh toán linh hoạt và giãn trong thời gian dài cùng với một số ưu đãi nhằm tiếp tục thu hút người mua, góp phần tăng tỷ lệ tiêu thụ của dự án.

Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đến cuối năm. Nguồn cung mới chuẩn bị mở bán dự kiến vẫn tiếp tục tập trung ở các tỉnh Bình Thuận và Phú Quốc (Kiên Giang), chủ yếu từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.

Còn Condotel, nguồn cung tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp và tập trung cục bộ tại 1 dự án ở khu vực miền Trung – chiếm 83% tổng nguồn cung mới cả nước.

Sức cầu thị trường tăng nhưng vẫn còn khá thấp, hầu hết các dự án có tình hình bán hàng chậm, chủ yếu tập trung tại Bình Định – chiếm 62% tổng lượng tiêu thụ cả nước.

Giá bán sơ cấp nguồn cung mới 3 miền. Nguồn: DKRA.
Giá bán sơ cấp nguồn cung mới 3 miền. Nguồn: DKRA.

Mặt bằng giá bán sơ cấp cấp ghi nhận tăng 2% - 7% so với tháng trước. Tuy nhiên, việc tăng giá kèm theo các chính sách chiết khấu, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cam kết lợi nhuận,… của chủ đầu tư nhằm kích cầu thị trường.

Các dự án được vận hành bởi các đơn vị quốc tế 4 – 5 sao và được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín tiếp tục là điểm sáng và được thị trường ưu tiên lựa chọn. Dự kiến, trong những tháng cuối năm nguồn cung và lượng tiêu thụ có thể tăng, phân bổ chủ yếu tại Bình Định và BR-VT.

Tín hiệu tốt từ dòng khách du lịch trong và ngoài nước được xem là “cú hích” quan trọng cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sau 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá phân khúc BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển, do có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, lượng khách tăng trưởng 10 - 15%/năm, nằm trong top 3 thị trường du lịch phát triển năng động, nhanh nhất.

Hiện nay, cả nước có trên 300.000 sản phẩm BĐS du lịch gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… đang được vận hành bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau; các doanh nghiệp đang đầu tư số vốn khổng lồ vào thị trường này với khoảng trên 600.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD).

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021.

Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển mặc dù phân khúc BĐS nghỉ dưỡng còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý, vốn đầu tư. Nhưng trong giai đoạn 2022 - 2023, đặc biệt vào năm 2023 xung lực tập trung mạnh vào BĐS nghỉ dưỡng biển, trong đó khu vực phía Nam sẽ “chiếm sóng”, do việc đầu tư hạ tầng giao thông như: Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh...

Theo đánh giá, thị trường BĐS nói chung, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng đang gặp nhiều thách thức như nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ; Luật thiếu quy định một số loại hình BĐS như condotel; đà phục hồi của khách du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng… Tất cả những yếu tố này sẽ còn gây ra nhiều khó khăn nhưng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt về nhiều mặt.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống