Bất động sản nghỉ dưỡng ‘lội ngược dòng’ lên top đầu danh mục đầu tư

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, không chỉ khai thác cho thuê tốt mà còn tăng trưởng giá trị nhanh chóng trong tương lai gần.

Tùy từng giai đoạn, thời điểm mà dòng tiền được đổ vào các kênh khác nhau nhằm đạt được lợi suất tốt nhất. Kênh đầu tư khá đa dạng, song phổ biến nhất là: cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, gửi tiết kiệm, vàng, USD và tài sản số.

Nền kinh tế phục hồi và sự bùng nổ du lịch trong năm 2022 giúp bất động sản nghỉ dưỡng lội ngược dòng ngoạn mục, từ vị trí áp chót lên top đầu danh mục đầu tư.

Ngành du lịch đang phục hồi và phát triển nhanh, từ đó tác động lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng. Rất nhiều thị trường mới với tiềm năng mới xuất hiện, thu hút các nhà đầu tư quay trở lại với bất động sản nghỉ dưỡng.

Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những thị trường chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch Covid-19. Một số phân khúc có thời điểm thậm chí đóng băng. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, trước một loạt những tín hiệu tích cực từ ngành du lịch, thị trường này đã có dấu hiệu phục hồi và biến chuyển.

Trong một báo cáo hồi tháng 7/2021, đã đưa ra các con số đáng chú ý về lợi suất của các kênh đầu tư. Theo đó, xét trong chu kỳ 5 năm, lợi suất của cổ phiếu cao nhất, đạt 19,2%/năm. Tiếp theo là bất động sản đạt 12,1%/năm, trái phiếu đạt 9,8%/năm, gửi tiết kiệm đạt 6,2%/năm, vàng đạt 6,1%/năm còn USD chỉ đạt 0,2%/năm.

Sự phục hồi du lịch đã góp phần thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng thức giấc sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh.
Sự phục hồi du lịch đã góp phần thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng thức giấc sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, xét trong dài hạn (15 năm), vị trí quán quân đã đổi chủ. Cụ thể, lợi suất của cổ phiếu trong 15 năm chỉ đạt 10,9%/năm, trái phiếu đạt 9,9%/năm, gửi tiết kiệm đạt 8,2%/năm, vàng đạt 7,2%/năm, USD đạt 2,4%/năm. Trong khi đó, bất động sản có lợi suất vượt trội, đạt tới 11,5%/năm, cao nhất trong các kênh đầu tư.

Có thể thấy, xét về dài hạn, bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, có lợi suất cao nhất. Trong tương quan so sánh, cổ phiếu là kênh đầu tư có lợi suất tương đương với bất động sản. Tuy nhiên, cổ phiếu có nhược điểm rất lớn là phức tạp đối với nhà đầu tư cá nhân và đặc tính thất thường, biến động mạnh. Kênh vàng cũng chứng kiến sự biến động không kém thị trường cổ phiếu.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, sự bùng nổ của du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sôi động trở lại với hàng loạt dự án mới được công bố, động thổ, thi công; hoạt động bán hàng diễn ra sôi nổi, thanh khoản đột biến so với các năm liền kề trước đó và giá cả tăng cao.

Trong giỏ hàng bất động sản hiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng đang nổi lên như một lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện nhiều nơi, bên cạnh các thị trường truyền thống như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những vùng đất mới, giàu tiềm năng.

Theo báo cáo về Thị trường Nghỉ dưỡng của Savills Châu Á – Thái Bình Dương công bố tháng 6/2022, khối lượng đầu tư vào khách sạn khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt 14,9 tỷ USD với 459 thương vụ vào năm 2021, vượt qua mức trung bình 5 năm trước đại dịch là 14,6 tỷ USD. Thị trường tiềm năng này cũng chứng kiến ​​sự gia tăng cả về khối lượng đầu tư và số lượng giao dịch trong năm 2021, lần lượt tăng 42,1% và 25,8% theo năm. Báo cáo ghi nhận một xu hướng đặc biệt là ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu thanh lý các tài sản không cốt lõi để thu hồi vốn.

Tiêu biểu trong số đó là việc hai tập đoàn Nhật Bản, Tập đoàn Kintetsu và Tập đoàn Seibu, được cho là đã chuyển nhượng danh mục đầu tư khách sạn của họ cho các quỹ nước ngoài lần lượt là 500 triệu USD và 1,2 tỷ USD trong năm qua. Sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2022, khoảng cách giữa người bán và người mua dường như đã được thu hẹp. Khối lượng đầu tư tăng lên 5 tỷ USD trong Q1/2022, tăng 5,3% theo quý và 86,9% theo năm.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, điểm đặc biệt của ngành nghỉ dưỡng là cho phép các đơn vị phát triển dự án có thể thỏa sức sáng tạo để đem đến những sản phẩm ấn tượng, khác biệt với những sản phẩm đã hiện hữu trên thị trường, từ đó đem đến những trải nghiệm giá trị cho khách lưu trú. Điều này không phải chỉ đến từ những sản phẩm cao cấp, mà nó có thể đến từ mọi phân khúc miễn là dự án được định vị rõ ràng, hoạch định tốt, thiết kế hợp lý và vận hành chỉn chu.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống