Kỳ vọng bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở lại “thời kỳ đỉnh cao”

Với sự phục hồi tích cực của kinh tế, đặc biệt là sự trở lại mạnh mẽ của ngành du lịch như một liều “vaccine” cho sự quay trở lại mạnh mẽ của thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đón nhiều “tin vui” từ du lịch

Theo Tổng cục Du lịch, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn về lượng khách nội địa, tính đến tháng 7, toàn ngành du lịch đã phục vụ 71,8 triệu lượt người, tăng gần 1,8 lần so với lượng khách của cả năm 2021.

Theo thống kê, chỉ riêng tháng 7, khách nước ngoài đến Việt Nam đã đạt 352,6 nghìn người, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng 62%.

Có thể thấy, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tâm lý và lối sống của nhiều người cũng có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, thúc đẩy các trào lưu du lịch gắn với khám phá thiên nhiên, tái tạo năng lượng, chăm sóc sức khỏe.

Theo các chuyên gia, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ ở mức cao điểm trong giai đoạn từ tháng 9 năm nay đến khoảng tháng 4 năm sau nên những tháng cuối năm dự báo sẽ có thêm nhiều đột phá.

Minh chứng, theo thống kê của Google Destination Insights, từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, mức tăng từ 50 - 75%.

Khi so sánh thời điểm tháng 7 với tháng 3 năm nay, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam cao gấp 5,9 lần; về chuyến bay quốc tế tới Việt Nam tăng gấp 3 lần. So với cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200%.

BĐS nghỉ dưỡng sẽ sớm trở lại “đường đua”

Tín hiệu tốt từ dòng khách du lịch trong và ngoài nước được xem là “cú hích” quan trọng cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sau 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá phân khúc BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển, do có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, lượng khách tăng trưởng 10 - 15%/năm, nằm trong top 3 thị trường du lịch phát triển năng động, nhanh nhất.

Hiện nay, cả nước có trên 300.000 sản phẩm BĐS du lịch gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… đang được vận hành bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau; các doanh nghiệp đang đầu tư số vốn khổng lồ vào thị trường này với khoảng trên 600.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD).

Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021.

Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi tích cực.  
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi tích cực.  

Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9- 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là Nhà phố và shophouse với 30- 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11- 28%; condotel là 9- 15%.

Theo ông Thắng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và Phú Quốc…

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương đánh giá, riêng hoạt động kinh doanh khách sạn và resort đang khôi phục trở lại sau đại dịch. Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới. Trong đó, kỳ nghỉ hè năm nay được xem là bước tái khởi động đầy lạc quan tại các điểm đến truyền thống như Nha Trang, Phú Quốc… cũng như các địa danh mới nổi trên bản đồ du lịch như Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu…

Vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ

Trước hết là về mặt pháp lý, khi có nhiều ý kiến nhận định rằng các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hiện vẫn chưa có pháp lý ro ràng.

Theo ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết đây chỉ là những băn khoăn của các nhà đầu tư trong gai đoạn đầu.

“Tôi khẳng định đến thời điểm này, định danh địa vị pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng đã rất rõ ràng. Các nhà đầu tư đã hiểu rất rõ về nhận thức pháp luật, đầu tư nên không còn băn khoăn nữa”, ông Dũng nói.

Trên thực tế, thời gian qua khi cả thị trường đang dồn sự chú ý và chờ đợi Luật Đất đai 2013 sửa đổi, bổ sung về tính pháp lý của condotel, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không đưa quy định về condotel vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này khiến không ít thành viên trên thị trường hụt hẫng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, pháp lý rõ ràng là vấn đề mang tính then chốt đối với sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Việc bất động sản nghỉ dưỡng không được quy định trong luật sẽ kéo lùi sự phát triển của hạ tầng ngành du lịch. Điều này đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế xanh ở nước ta, lãng phí tiềm năng dồi dào của du lịch. Cơ sở lưu trú thiếu thốn, yếu kém, thì tiềm năng du lịch tốt mấy cũng khó phát triển.

“Quan điểm của tôi là cần hoàn thiện pháp lý cho các loại hình bất động sản mới trên thị trường như condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng… Phải đáp ứng đầy đủ được nhu cầu về pháp lý cho loại hình bất động sản mới này là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển tốt thị trường du lịch trong nước”, ông Đính nói, đồng thời bày tỏ sự khó hiểu khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không đưa nội dung pháp lý các loại hình bất động sản kể trên ra bàn bạc, lấy ý kiến.

“Rõ ràng, đây là nhu cầu có thực của thị trường, nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa giải quyết thấu đáo. Nếu sửa Luật Đất đai lần này không giải quyết được, thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục bị ‘cùm chân’ như thời gian qua”, ông Đính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng đang gặp phải một vấn đề lớn khác tác động đến đó là việc thiếu nguồn vốn đầu tư, trong bối cảnh chịu tác động của một số chính sách được triển khai kể từ tháng 7 này cũng giống như các phân khúc khác trên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển mặc dù phân khúc BĐS nghỉ dưỡng còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý, vốn đầu tư. Nhưng trong giai đoạn 2022 - 2023, đặc biệt vào năm 2023 xung lực tập trung mạnh vào BĐS nghỉ dưỡng biển, trong đó khu vực phía Nam sẽ “chiếm sóng”, do việc đầu tư hạ tầng giao thông như: Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh...

Theo đánh giá, thị trường BĐS nói chung, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng đang gặp nhiều thách thức như nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ; Luật thiếu quy định một số loại hình BĐS như condotel; đà phục hồi của khách du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng… Tất cả những yếu tố này sẽ còn gây ra nhiều khó khăn nhưng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt về nhiều mặt.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống