Doanh nghiệp bức tử” vịnh Bái Tử Long lại bị thanh tra
Doanh nghiệp “bức tử” vịnh Bái Tử Long Công ty Phương Đông lại bị phản ánh vì “bức tử” hồ Cóc Sếnh do việc khai thác mỏ đất gây ra.
Công ty Phương Đông tiếp tục bị người dân thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, Vân Đồn, Quảng Ninh phản ánh về về hành vi tác động xấu tới hồ Cóc Sếnh do việc khai thác mỏ đất gây ra. Đặc biệt, việc nổ mìn phá đá của doanh nghiệp đã làm cho nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân trong thôn bị lún, nứt nghiêm trọng.
Chiều ngày 27/5, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Đông Xá cho biết: "Hiện thanh tra tỉnh Quảng Ninh đang kiểm tra, làm rõ những sai phạm của công ty Phương Đông. Việc thanh tra đã diễn ra 15 ngày và hiện chưa có kết quả".
Cùng ngày, Chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn cho biết: "Hiện báo chí đã đưa thông tin về việc này. Hiện thanh tra tỉnh Quảng Ninh đang thanh tra toàn diện dự án này và chưa có kết luận".
Phản ánh trên báo Giao thông, ông Trịnh Văn Đạt, nhà ở thôn Tràng Hương, xã Đông Xá than: “Gần 3 năm trước, doanh nghiệp này ồ ạt đưa phương tiện vào ngày, đêm nổ mìn, bốc xúc đất đá khiến cuộc sống của bà con đảo lộn. Xe chạy, mìn nổ ầm ầm suốt đêm, đường đất bụi mù. Đặc biệt, việc nổ mìn phá đá của doanh nghiệp đã làm cho nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân trong thôn bị lún, nứt nghiêm trọng”.
Một góc hồ Cóc Sếnh cạn trơ đáy do đất đá từ mỏ đất trôi xuống |
Nhìn những vết nứt từ nhà trên đến nhà dưới, đến bếp, công trình phụ... ông Đạt ngao ngán: “Nhà cửa của gia đình cứ thế há toác ra sau những loạt nổ mìn phá đá.
Nhiều hôm đá văng ào ào xuống khu dân cư. Tôi cùng với các hộ trong thôn phải kiện cáo mãi thì mới được bồi thường gần 100 triệu đồng, chia làm 2 đợt. Số tiền ấy chẳng bõ bèn gì so với hư hỏng những công trình tiền tỷ của các gia đình ở đây”.
Kế bên nhà ông Đạt, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Điệp Văn Sơn nứt toác, chỗ tiếp giáp giữa bếp và nhà cảm giác bị sập xuống ngay nếu có thêm chấn động mạnh. Không chỉ nhà cửa bị hư hỏng do nổ mìn, hiện nay, nỗi lo lớn nhất của bà con trong thôn là hồ Cóc Sếnh - hồ nước ngọt cung cấp tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở khu vực này có nguy cơ bị “bức tử” nếu không có biện pháp xử lý.
Bởi lẽ mỏ đất khai thác ở thượng nguồn chỉ cách lòng hồ Cóc Sếnh chừng vài chục mét. Các nguồn sinh thủy cấp nước cho hồ Cóc Sếnh xuất phát chủ yếu từ khu vực mỏ đất từng khai thác.
Cùng với việc san gạt nhiều diện tích rừng đầu nguồn, quá trình khai thác, doanh nghiệp không có biện pháp bảo vệ môi trường, nên đất đá từ khu mỏ bị mưa cuốn trôi lấp ngày càng nhiều vào lòng hồ khiến cho nhiều khu vực trơ đáy.
Cũng theo thông tin trên tờ Giao thông, năm 2012, Công ty Phương Đông được UBND tỉnh Quảng Ninh giao trên 171ha đất tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn để đầu tư - kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới. Đây được coi là một trong những đô thị ven biển đẹp nhất của Quảng Ninh khi hình thành.
Thượng nguồn của hồ Cóc Sếnh bị uy hiếp nghiêm trọng vì hoạt động khác mỏ đất của Công ty Phương Đông |
Để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng dự án, Công ty Phương Đông đã làm thủ tục xin cấp mỏ đất tại xã Đoàn Kết và Đông Xá. Địa điểm khai thác tại thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết có diện tích là 19,3ha, trữ lượng địa chất và trữ lượng khai thác trên 5,16 triệu m3; thời gian khai thác là 2,5 năm với tổng số tiền là trên 370 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, trong hồ sơ xin cấp mỏ, Công ty Phương Đông đã trình quy trình khai thác mỏ đất phục vụ dự án khá nghiêm ngặt với những phương án hoàn nguyên khá hoàn hảo.
Thế nhưng, đã hết thời hạn khai thác từ 30/6/2020, thực tế ghi nhận chưa thực hiện phương án hoàn nguyên, bảo vệ môi trường. Nhiều khu vực mở vỉa cao hàng trăm mét, nhưng không hề được cắt tầng, rất nguy hiểm cho người dân khi vào khu vực này.
Đặc biệt, hệ thống thu gom, xử lý nước mặt không hề được thiết kế, khiến cho đất đá cứ thế bị cuốn trôi lấp vào hồ Cóc Sếnh, uy hiếp sự tồn tại của hồ.