Doanh nghiệp chấp nhận bán tài sản để giải quyết cơn "đau đầu vì tiền"

Cơn "đau đầu vì tiền" đeo bám doanh nghiệp bất động sản khiến nhiều công ty phải bán tháo tài sản để giải quyết khó khăn hiện tại. Thậm chí có tới 77.000 doanh nghiệp bao gồm ở tất cả các ngành rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Làn sóng bán tháo tài sản xuất hiện

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán...

Khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại vẫn là dòng tiền khi nhiều doanh nghiệp không thu xếp được nguồn vốn để duy trì hoạt động vì quá phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay.

Trái phiếu, ngân hàng… là các kênh huy động vốn chính nhưng bị ảnh hưởng từ thị trường, hoạt động siết chặt trái phiếu, lãi suất ngân hàng gia tăng đỉnh điểm. Bởi thế mà nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán tài sản sẵn có, tài sản công ty, tài sản cá nhân để cứu công ty trong lúc thị trường trên đà thoái trào.

Doanh nghiệp chấp nhận bán tài sản để giải quyết cơn "đau đầu vì tiền" - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trang "đau đầu vì tiền". (Ảnh minh họa)

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nhiều nhà thầu phụ của chúng tôi đã phải thế chấp nhà, xe, thậm chí phải đem tài sản ra tiệm cầm đồ, đi vay nóng để có vốn cầm cự. Riêng chúng tôi đã chủ trương bán hết các dự án đã đầu tư để có tiền xoay xở. Những máy móc, thiết bị, giàn giáo lên đến hàng triệu m² thì chúng tôi trừ nợ bằng cách chuyển giao cho các nhà thầu phụ mà không kì kèo giá cả.

Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có lãi suất quá cao nên hoạt động kinh doanh bình thường sẽ khó đáp ứng được mức lãi vay ngân hàng đưa ra hiện nay. Thứ hai là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện rất khó, nhiều ngành kinh doanh có xu hướng suy giảm nên doanh nghiệp rất cân nhắc khi vay vốn ngân hàng.

Xét về dài hạn, tình trạng doanh nghiệp buộc phải bán tài sản, thậm chí bán toàn bộ doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài có tiềm lực tài chính lúc này tiềm ẩn vấn đề mất an toàn, an ninh kinh tế. Chẳng hạn, doanh nghiệp đang kinh doanh những chuỗi bán lẻ lớn trên cả nước mà bán cho đối tác nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kênh phân phối nội địa thời gian tới.

Cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bán tài sản tại các doanh nghiệp

Trước đó, ngày 8-5, trong “Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan này cũng nhận định, những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp.

Tình trạng này dẫn đến thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.

Theo Ông Đậu Anh Tuấn, việc doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp khác vào tiếp quản là chuyện bình thường trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhưng nếu một doanh nghiệp tốt đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn, buộc phải bán cả một cơ ngơi, một thương hiệu tốt là điều rất xót xa. Doanh nghiệp chỉ gặp trục trặc trong ngắn hạn mà phải "bán mình" là điều đáng tiếc cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp chấp nhận bán tài sản để giải quyết cơn "đau đầu vì tiền" - Ảnh 2
Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông cho rằng, bên cạnh các nhóm giải pháp về tiền tệ, nhóm giải pháp về tài khóa thì những giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp phải thuận lợi hơn. Đây là những giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu ý kiến tại Quốc hội trong phiên họp chiều ngày 1/6 về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 cho biết: doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình khó khăn với diễn biến chung của nền kinh tế. Vừa qua, thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thu hút sự chú ý của dư luận đó là nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được thì đã phải bán và bán bằng 50% giá thực. Trong khi đó, người mua ở đây toàn là nước ngoài.

Đại biểu cho rằng, nếu không được hỗ trợ thì những doanh nhân Việt sẽ nhụt chí, lựa chọn giải pháp an toàn là bán bớt tài sản, không muốn phát triển kinh doanh nữa. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần phân loại các dự án bất động sản để xử lý nợ phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cũng cần thực hiện cấu trúc các dự án bất động sản. Điều này làm, là phải tạo ra giá trị thật, có tính thanh khoản chứ không phải chỉ hứa trên bản vẽ, trên báo cáo. Từ đó mới lấy được niềm tin của các nhà đầu tư.

Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp BĐS cần cân đối lại cấu trúc nguồn vốn để tránh quá lệ thuộc vào các ngân hàng. Cụ thể, vốn tín dụng chỉ nên chiếm tỉ trọng 40%.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển