Kế hoạch kinh doanh "trái chiều" của nhiều doanh nghiệp địa ốc
Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đã công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2023. Theo đó, sau một năm 2022 đầy khó khăn có những doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng mạnh, song cũng có những doanh nghiệp “cài số lùi” cho kế hoạch năm nay của mình.
Một năm đầy khó khăn của doanh nghiệp địa ốc
Có thể nói, năm 2022 là một năm mà doanh nghiệp bất động sản đã phải đối mặt với những khó khăn lớn về nguồn vốn, về lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án.
Nhìn nhận về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm vừa qua, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, 2022 là một năm khó khăn toàn diện của ngành bất động sản. Các khó khăn này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, cũng như lan toả đến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Trong đó, nổi bật và cũng là khó khăn lớn nhất đó là vấn đề pháp lý đối với thị trường bất động sản.
Theo Chủ tịch VCCI, những khó khăn mà thị trường bất động sản phải đối mặt trong năm vừa qua đến từ nhiều khía cạnh, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Đối với nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế thế giới với các thị trường vốn, tài chính đều xấu đi, thế giới kết thúc thời kỳ vốn giá rẻ, bước vào thời kỳ lạm phát và lãi suất cao. Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản liên tục, tác động tới thị trường toàn cầu. Dòng vốn vào bất động sản cao, kết thúc thời kỳ bất động tăng giá cao.
Còn tại Việt Nam, dòng vốn cho bất động sản suy giảm đột ngột, tín dụng hết "room". Các doanh nghiệp bất động sản vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của những khó khăn này. Thêm vào đó, chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bán giải chấp khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn.
Ông Phạm Tấn Công đánh giá, đây chính là những nguyên nhân khách quan tạo ra bối cảnh hết sức khó khăn cho ngành bất động sản.
Còn về chủ quan, ông Phạm Tấn Công cho rằng có hai vấn đề. Đầu tiên là vấn đề vốn, thứ hai là vấn đề sản phẩm.
Đầu tiên, các doanh nghiệp cần xem lại mình đã sử dụng vốn đúng, khoa học hay chưa?
Đồng thời, cho rằng qua những “sóng gió” vừa qua chính là lúc để doanh nghiệp rút ra bài học, rút kinh nghiệm để phát triển bền vững hơn. Trong đó, trọng tâm chính là bền vững từ sử dụng và huy động vốn hợp lý.
“Khi vốn huy động xã hội không được đổ vào tạo sản phẩm cho thị trường bất động sản, mà một tỷ lệ lớn đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất thâu tóm dự án quỹ đất khiến dòng tiền tương lai bị chặn đứng. Doanh nghiệp trông chờ vào tăng giá đất đai là khiếm khuyết lớn, là bài học chúng ta cần rút ra. Chúng ta huy động vốn để tạo ra sản phẩm bất động sản không phải là thâu tóm đất đai”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp “cài số lùi”
Trước những khó khăn mà thị trường bất động sản còn đang phải đối mặt, không ít doanh nghiệp bất động sản đã rón rén khi xây dựng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã CK: NVL) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm hơn 90% so với năm 2022, xuống chỉ còn 214 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu cũng giảm 14,5%, xuống 9.531 tỷ đồng và không chia cổ tức từ năm 2021 đến 2023.
Trước đó, trong quý I/2023, Novaland ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 600 tỷ đồng (giảm 70% so với cùng kỳ năm trước và giảm 81% so với quý IV/2022). Đặc biệt, NVL báo lỗ 410 tỷ đồng - quý lỗ đầu tiên từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán.
Có thể thấy, với kết quả này, Novaland mới chỉ hoàn thành hơn 6% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận hơn 200 tỷ năm nay.
Hay như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) cũng “cài số lùi” kế hoạch kinh doanh năm nay. Cụ thể, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất chỉ 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 158 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,2% và 26,5% so với kết quả đạt được năm 2022.
Kết thúc quý đầu năm 2023, Đất Xanh báo lỗ trước thuế 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 536 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 408 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 2 liên tiếp (quý IV/2022 lỗ sau thuế 406 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã CK: HDG) công bố kế hoạch kinh doanh trong năm nay với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng, giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Hà Đô cho biết, trong năm nay, công ty chỉ chú trọng phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm… để tạo nguồn việc cho công ty và duy trì nguồn thu, thay vì định hướng tăng trưởng như những năm trước.
Tương tự, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) năm nay cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 20 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 75% so với thực hiện năm 2022.
Đáng lưu ý, kết quả năm 2022 của TTC Land cũng không mấy khả quan khi doanh thu và lãi trước thuế đạt lần lượt 893 tỷ đồng và 79 tỷ đồng, giảm 47% và 67% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp môi giới cũng khá “dè dặt” trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của mình. Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services, Mã CK: DXS) đặt kế hoạch với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% so với kết quả thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.
Hay như Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã CK: CRE) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 3.050 tỷ đồng, giảm 12% và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ, giảm 32% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng “phi mã”
Trái ngược với nhiều “ông lớn” đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 tương đối thận trọng thì vẫn có nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trưởng mạnh so với năm 2022.
Lấy đơn cử như CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã CK: HQC) đã mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu năm 1.700 tỷ đồng với doanh thu bất động sản chiếm 650 tỷ đồng, doanh thu hợp tác đầu tư bất động sản chiếm 1.050 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch lợi nhuận, phía công ty dự kiến lợi nhuận sau thuế ở mức 140 tỷ đồng, cao gấp 7,4 lần so với thực hiện trong năm 2022.
Mặc dù đặc kế hoạch lợi nhuận trăm tỷ trong năm 2023, nhưng kết thúc quý đầu năm, HQC chỉ ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, giảm 80%, thấp nhất trong 5 quý trở lại đây, và hoàn thành 0,7% kế hoạch năm.
Hay như Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã CK:DIG) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 98% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.400 tỷ đống, tăng trưởng 604%.
Nên nhớ rằng, trong năm 2022, DIG chỉ ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.012 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế thuế hợp nhất đạt 199 tỷ đồng, chỉ đạt 10,5% kế hoạch.
Trong quý đầu năm 2023, DIG báo lãi trước thuế đạt hơn 101 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 76,6 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc quý đầu năm DIC Corp mới hoàn thành 7,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài HQC và DIG, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã CK: KBC) cũng lên kế hoạch lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 4.000 tỷ đồng, tăng 154% so với thực hiện trong năm 2022. Đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi lên niêm yết năm 2009 tới nay.
Kết thúc quý I/2023, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.223 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ và báo lãi sau thuế đạt hơn 1.056 tỷ, gấp đôi so với cùng kỳ. Với kết quả trên, KBC đã hoàn thành hơn 25% kế hoạch khủng của năm.