Doanh nghiệp bất động sản “ngồi trên đống lửa” vì vướng mắc pháp lý

Thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào trạng thái “đuối sức”. Không ít doanh nghiệp đã lên tiếng “cầu cứu” vì các dự án không thể tiếp tục triển khai.

Doanh nghiệp bất động sản “ngồi trên đống lửa” vì vướng mắc pháp lý - Ảnh 1
 

Doanh nghiệp đồng loạt “cầu cứu”

Theo các chuyên gia nhận xét, tình trạng đình trệ ở thị trường bất động sản thời gian qua có sự tác động lớn nhất từ vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của dự án.

Thực tế, số liệu từ Bộ Xây dựng đã chỉ ra, chỉ riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ước khoảng 400 dự án gặp vướng về thủ tục triển khai dự án. Những ách tắc này kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu tính rộng ra thì đâu đó phải lên tới 1.000 dự án đang dừng, đợi, không thể triển khai ở các giai đoạn khác nhau, từ việc lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu, đấu giá, giao đất, tính tiền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, quy hoạch… đều nghẽn.

Trước những khó khăn trên, vừa qua Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở (gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) bị ách tắc hồ sơ 5 - 10 năm. Cụ thể, HoREA cho biết, có 57 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 64 dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây Sài Gòn bị “treo” pháp lý đã gửi đơn cầu cứu. Trong đó, có nhiều “đại gia” tên tuổi như: Novaland, Nam Long, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam, Vạn Phúc…

Điển hình là dự án Lexington (quận 2) của Tập đoàn Novaland dù đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) nhưng đến nay người mua nhà vẫn phải chờ. “Tập đoàn sẵn sàng đồng hành với cơ quan chức năng để khách hàng mua nhà sớm được cấp sổ hồng. Hy vọng khách hàng cũng như doanh nghiệp sẽ không còn chờ đợi lâu nữa”, Giám đốc Pháp lý Tập đoàn Novaland Đặng Thị Mỹ Phượng chia sẻ.

Cũng là một trong những doanh nghiệp có số lượng nhà ở bị treo sổ hồng nhiều nhất, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng bày tỏ, để xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất. “Tắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất đã khiến cho hàng nghìn khách hàng của Hưng Thịnh, là những người mua nhà vô can phải chịu thiệt thòi vì chưa được cấp sổ hồng”, ông Dũng bày tỏ.

Thời điểm tháng 2 vừa qua, tại hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được…Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

“Hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường”, ông Hoa nói.

Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) cũng đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.

“Chính phủ và NHNN ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án”, ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị.

Cần có giải pháp tháo gỡ

HoREA cho biết, hiện TP HCM có 156 dự án bất động sản thuộc diện rà soát pháp lý có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ nhưng chưa thể tháo gỡ do một số quy định pháp luật thiếu tính đồng bộ, thống nhất; trong đó, có những dự án có nguồn gốc “đất công” do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công, di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước mà chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định.

Doanh nghiệp bất động sản “ngồi trên đống lửa” vì vướng mắc pháp lý - Ảnh 2
Cần thuốc đặc trị đối với vấn đề pháp lý bất động sản. (Hình minh họa)

Trước tình trạng đó, thời gian qua, UBND TP HCM đã nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số doanh nghiệp trình bày các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị và đến nay đã xem xét và cho phép 5 doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có 1 tập đoàn bất động sản nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai các dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kỳ vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và TP HCM, đặc biệt là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố thì hầu hết trong số 156 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc pháp lý trên địa bàn thành phố sẽ được giải quyết trong năm nay.

Nói về chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản đang triển khai, GS.Đặng Hùng Võ chia sẻ: “Liên quan đến vướng mắc pháp luật của thị trường bất động sản, từ lâu Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác chuyên biệt nhằm gỡ khó”.

GS.Đặng Hùng Võ cho rằng, trước mắt tổ công tác phải rà soát toàn bộ dự án để giao cho địa phương, sau đó, gửi Chính phủ để trình Quốc hội một Nghị quyết về tháo gỡ cho dự án. Trong đó, quy định dự án thế nào được duyệt, dự án như nào bị bỏ lại.

“Một khi Quốc hội duyệt, địa phương mới dám phê duyệt. Nếu Quốc hội không phê duyệt, địa phương cũng không dám quyết. Bởi ách tắc pháp luật là ách tắc lớn nhất, phổ biến nhất, dẫn tới tình trạng người có thẩm quyền không dám phê duyệt và điều này không thể trách họ. Vì đây là nguyên nhân gây ra việc cản trở phê duyệt dự án”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Ngoài ra, tại Nghị quyết 33 của Chính phủ cũng kiến nghị việc làm dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có phần phê duyệt được dự án, từ đó mới có nguồn vốn từ việc bán nhà hình thành trong tương lai. Đây sẽ là nguồn tiền lớn. Do vậy theo giáo sư Võ, phải giải tỏa xung đột về mặt pháp luật khiến người phê duyệt rơi vào rủi ro.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển