Doanh nghiệp địa ốc đồng loạt giảm lương, cắt giảm nhân sự để vượt khó
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó, thay vì ồ ạt bán hàng, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch hoạt động cầm chừng vì ế ẩm, thiếu vốn, nợ lương, giảm nhân sự để tồn tại.
Làn sóng giảm lương, cắt giảm nhân sự diễn ra mạnh mẽ
Kể từ thời điểm giữa tháng 12/2022, làn sóng giảm lương, nợ lương, sa thải tại các doanh nghiệp địa ốc diễn ra mạnh mẽ và có xu hướng trầm trọng thêm. Đỉnh điểm là thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023.
Theo lãnh đạo một công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang bán dự án căn hộ tại TP Thủ Đức chia sẻ, đến tháng 12/2022, công ty ông đã giảm 50% nhân sự và cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu do thị trường ế ẩm.
Bên cạnh đó, một tập đoàn xây dựng và đầu tư địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cũng công bố kế hoạch giảm hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương từ 20-35% đối với các cấp từ trưởng phòng đến tổng giám đốc, đồng thời dừng một số chính sách phúc lợi xã hội, khen thưởng. Nguyên nhân là công ty không thể đòi được các khoản tiền nợ từ những chủ đầu tư bất động sản, các dự án của công ty thành viên cũng không bán được, dẫn đến không có doanh thu.
Thậm trí, để cắt giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp này còn phân loại nhân sự thành 3 nhóm, chỉ giữ lại nhóm một gồm nhân sự trọng yếu. Nhóm hai gồm nhân sự có năng lực nhưng chưa thể bố trí được công việc thì thỏa thuận ngừng việc từ đầu tháng 12 đến cuối quý I/2023. Ngoài ra, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân sự không thuộc nhóm một và hai.
Hàng nghìn môi mới địa ốc mất việc trong năm 2022
Với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành môi giới bất động sản, kể từ thời điểm đầu năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm nhanh chóng. Theo đó, hiều môi giới mới vào nghề hay đã hoạt động lâu năm cũng đều khó có giao dịch. Đây chưa phải khó khăn duy nhất dành cho môi giới khi nhiều văn phòng giao dịch bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Anh Quang, một môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, công ty anh cũng bắt giảm nhiều nhân sự, anh cũng thuộc số đó. “Khoảng 30% nhân sự ở văn phòng tôi thuộc diện cắt giảm, đa phần đều là những người mới vào nghề như tôi. Những người ở lại, phần lớn đã có kinh nghiệm nhiều năm, có lượng khách hàng thân thiết nên thi thoảng vẫn có giao dịch nên được giữ lại”, anh Quang nói và cho biết, hiện tại, anh cũng đã xin công việc khác để làm.
Chia sẻ về “cảnh ngộ” của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới bất động sản, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, riêng TP HCM có khoảng hơn 100.000 môi giới bất động sản, trong đó 20.000-30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp. Ông tính toán khoảng 50% môi giới mất việc tính đến tháng 12
Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2022 có hàng nghìn môi giới bất động sản đã thất nghiệp trong bối cảnh thị trường địa ốc mất thanh khoản. Cơ hội việc làm cho môi giới hẹp dần theo làn sóng sa thải ồ ạt trước Tết.
Trưởng bộ phận kinh doanh của một công ty chuyên đầu tư mua sỉ dự án của các chủ đầu tư để bán lẻ quy mô lớn có trụ sở tại quận 1, TP HCM thừa nhận môi giới trực thuộc doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa. Những người còn bám trụ lại cũng đầy băn khoăn do chưa nhìn thấy các tín hiệu lạc quan ít nhất trong 6 tháng tới.
"Thị trường đi xuống là thách thức đối với các đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn", ông Phạm Lâm nhận định.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2022 chưa phải là cao điểm đào thải nhân sự ngành địa ốc do năm 2023 các thách thức có thể lớn hơn trong 6-8 tháng đầu năm. Các chuyên gia cho rằng môi giới tồn tại và bám trụ lại thị trường dựa trên việc bán được nhà đất, được chi trả hoa hồng (phí môi giới). Nếu thanh khoản thị trường tiếp tục yếu, lượng môi giới mất việc sẽ nhiều hơn.
Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cho rằng quy luật đào thải khắc nghiệt dẫn đến nợ, cắt giảm lương, sa thải nhân sự, thu hẹp quy mô, hoạt động co cụm là phản ứng cần thiết để doanh nghiệp tồn tại.
Ông Nghĩa phân tích, doanh nghiệp nào mô hình linh hoạt, có thể tái cấu trúc và thay đổi để vượt khó sẽ còn cơ hội chống chọi được các cú sốc trong năm 2023. Trong khi đó, những đơn vị không đủ khả năng thay đổi mô hình cũ, có thể không vượt qua được 1-2 quý nữa.