Thị trường BĐS giáp Tết: Nhà đầu tư “ồ ạt” rao bán cắt lỗ để thu hồi vốn, môi giới “ngồi chơi xơi nước”
Càng về cuối năm, các tin rao bán giảm giá sâu, cắt lỗ bất động sản (BĐS) xuất hiện ngày càng nhiều. Đội ngủ môi giới thì lần lượt xin nghỉ việc, số còn lại thì gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước” trong mấy tháng qua.
Bất động sản giảm giá cả tỷ đồng chờ khách mua
Kể từ thời điểm giữa năm 2022, thị trường BĐS bắt đầu rơi vào trầm lắng. Thậm trí càng gần Tết nguyên đán 2023, thị trường lại càng ảm đạm. Theo đó, không ít nhà đầu tư đã phải chấp nhận bán giảm giá, cắt lỗ nhiều BĐS để bảo toàn dòng vốn.
Anh H, một nhà đầu tư thứ cấp đã liều mình lao vào đợt sốt đất đầu năm, mạnh tay vay vốn từ khắp nơi để gom tiền mua chung các BĐS cùng bạn bè tại một số dự án mới ở các tỉnh. Tuy nhiên, chưa kịp bán lấy lời thì ngay khi thị trường rơi xuống không phanh cũng đã kéo theo các nhà đầu tư như anh.
“Thời điểm khó khăn chung của toàn thị trường, nhưng vẫn có những người phất lên vù vù nhờ đất đai mua nhà, mua xe còn bản thân tôi không may mắn như vậy, rao bán mãi chẳng có ai mua trong khi các khoản vay lãi không ngừng tăng lên mỗi ngày”, anh H tâm sự.
Thậm trí đã bán bất động sản khắp nơi với lời nhắn: “Cần bán hết đất lấy tiền trả nợ và để lo sắm Tết” nhưng vẫn chẳng có ai ngó ngàng hay hỏi thăm. Mặc dù, mảnh đất anh H mua đầu năm có giá 3 tỷ đồng, giờ đã giảm đến gần 1 tỷ đồng nhưng bán vẫn rất khó.
Không chỉ anh H, mà còn rất nhiều nhà đầu tư BĐS tại thời điểm cuối năm này đều đang mang trong mình những nỗi niềm âu lo như thế. Trước bối cảnh thị trường ảm đạm như vậy, người ta cứ hay đùa nhau là “một năm lao đao vì hai chữ đầu tư”. Hàng loạt các BĐS được rao bán trên các trang web, hội nhóm hiện nay luôn kèm theo các câu như “bán trả nợ ngân hàng”, “bán lấy tiền tiêu Tết”, “bán cắt lỗ sâu”, “bán hết để trả nợ”,….
Một trường hợp khác là Anh P, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cho biết đã gần 2 tháng rao bán mảnh đất thổ cư với diện tích 60m2 tại Đồng Mai – Hà Đông với giá 750 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa giao dịch thành công.
Nhà đầu tư này cho biết do đầu năm mới có công việc gia đình nên đã chấp nhận giảm kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bán nhanh mảnh đất này để xử lý công việc. “Tôi đã gửi nhiều văn phòng bất động sản trong khu vực bán hộ, nhưng lượng khách hàng quan tâm là không nhiều bởi những người muốn mua để ở thì lại gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, gần Tết âm lịch nên nhiều người lưỡng lự, chờ qua năm mới xem thị trường thế nào rồi mới đưa ra quyết định”, anh P nói.
Môi giới BĐS gặp khó khăn đủ đường
Nghề môi giới nhìn qua tưởng nhàn hạ, nhẹ nhàng, ăn trắng mặc trơn và có thu nhập khủng, nhưng trên thực tế, đây lại là lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh cả giữa người làm nghề và các sàn giao dịch.
Thị trường bất động sản đang ngày càng đi vào thực chất, dẫn đến sự đòi hỏi cũng cao hơn về trình độ, kỹ năng của các môi giới viên. Hiện nay, dù lực lượng môi giới tăng nhanh về số lượng, nhưng không đi kèm với việc gia tăng về chất lượng.
Ghi nhận tại các khu vực từng là “điểm nóng” BĐS những ngày gần đây cho thấy, thị trường tiếp tục rơi vào trạng thái trầm lắng. Cụ thể, ở phân khúc đất nền, giao dịch gần như không phát sinh, hoạt động đầu tư mua bán chậm hẳn. Các nền đất giá ngộp dù rao bán nhiều lần cũng không dễ chốt giao dịch. Tuy vậy, trong số đó vẫn có những sản phẩm vị trí đẹp, giá tốt được bán ra từ những nhà đầu tư ngộp tài chính.
Nhiều môi giới vẫn cố bám trụ nghề dù thị trường gặp khó. Bắt gặp tại các điểm giao dịch, các quán cafe… môi giới vẫn ngồi đợi khách. Lâu lâu xuất hiện vài vị khách ngồi nghe tư vấn, tuy nhiên số này rất ít. Những môi giới không về quê, họ ở lại TP Hồ Chí Minh và đang cố gắng “vớt vát” giao dịch thời điểm cận Tết.
Chị L sinh năm 1993 tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp nhưng lại bén duyên với nghề môi giới bất động sản sau nhiều năm thử thách với một số công việc khác nhau.
Hiện tại chị L đang làm việc cho công ty bất động sản có trụ sở chính tại Thanh Xuân (Hà Nội), đây là một công ty chuyên phân phối các dự án bất động sản không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác trên khắp cả nước.
Thời gian vừa qua, khi thị trường bất động sản Hà Nội liên tục “gặp khó”, nguồn cung tại đây dường như không còn, Lan đã quyết định vào TP Hồ Chí Minh để bán dự án với mong muốn “đổi môi trường, đổi vận số”. Vào một nơi mới, chi phí phát sinh như thuê nhà ở, chạy quảng cáo dự án Lan đều phải tự trang trải. Làm môi giới bất động sản, nếu như không bán được “hàng” thì sẽ không có hoa hồng và thu nhập nhận được sẽ rất thấp, chỉ có khoản lương cơ bản 6 triệu đồng công ty trả hàng tháng, một số người có vị trí cao hơn thì mức lương khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
“Ví dụ nếu như lựa chọn phân khúc đất nền, tiền hoa hồng sẽ rơi vào 2% và sẽ được thanh toán luôn khi bán được hàng. Thế nhưng đối với nhiều dự án như bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ chung cư, biệt thự sẽ có đa dạng các mức giá và việc nhận hoa hồng cũng tuỳ thuộc vào khoản thanh toán của từng chủ đầu tư khác nhau”, chị L nói.
Ở góc độ chuyên gia, nhìn nhận về nghề môi giới bất động sản, ông Phan Công Chánh - Chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho rằng, hiện có khoảng 80% nhân sự nghề môi giới sẽ lựa chọn một lĩnh vực khác sau một thời gian làm việc.
“Nghề môi giới bất động sản nhìn bề ngoài có vẻ rất dễ nhưng sự thật bên trong lại vô cùng khắc nghiệt, có thể nói đây là một công việc khó khăn nhất trong tất cả những ngành nghề trên thế giới này. Vậy nên, rất nhiều người đã vỡ mộng khi đi vào thực tế”, ông Chánh thẳng thắn.
Ông Chánh cho biết, nhiều các cuộc nổi sóng liên tiếp của thị trường bất động sản trong thời gian qua như đang “làm xiếc” giá đất… với sự “góp tay” của các môi giới bất đông sản. Nhưng nếu nói một cách công bằng thì môi giới không thể một mình tạo ra sóng gió trên thị trường này. “Đội ngũ này thực ra chỉ góp một phần nào đó vào một giai đoạn thổi bùng những thông tin sai lệch làm thị trường nhiễu loạn”, ông nói.