Thị trường “trầm lắng”, giao dịch “èo uột”, môi giới bất động sản đồng loạt chuyển nghề để mưu sinh
Thị trường bất động sản rơi vào trạng thái khan hiếm nguồn cung, chậm thanh khoản, lãi suất tăng và tín dụng bị siết… một số sàn bất động sản đã phải tinh giản, đóng cửa một số văn phòng. Từ đó, nhiều người làm môi giới đồng loạt bỏ nghề để tìm nghề mới kiếm thêm thu nhập.
Nhà đầu tư do dự khi thị trường trầm lắng
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang rơi vào trạng thái “đóng băng”, giảm cung, giảm cầu, giảm thanh khoản… Mặc dù xác định những giải pháp được đưa ra mới đây để cứu thị trường bất động sản tuy nhiên nhiều người vẫn còn do dự, e ngại vào một thị trường khó đang đầy những khó khăn bủa vây.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, kể từ thời điểm tháng 7 đến nay thị trường có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.
Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) công bố gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.
Nhận định của ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, thanh khoản thị trường BĐS đã rơi vào thời kỳ giảm tốc từ tháng 4/2022 và càng ngày càng ảm đạm hơn. Hiện nay, thanh khoản của thị trường đang ở mức cực kỳ thấp, chỉ bằng 10-20% so với thời điểm tháng 4/2022. Riêng tại TP.HCM với các phân khúc biệt thự, nhà phố, đất nền... thì cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ chỉ bằng từ 9-30% so với giai đoạn trước.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS hiện đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản. Tình thế khó khăn hiện nay của thị trường BĐS có một số điểm tương đồng nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường khủng hoảng "đóng băng" trong giai đoạn 2008-2013. thị Trường BĐS năm 2022 cũng đã đứng trước thực trạng lệch pha cung - cầu, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
Ông Châu cho hay: "Thị trường BĐS đang khó khăn, có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm có các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời. Một số tập đoàn, doanh nghiệp thua lỗ, giảm sâu thanh khoản, có thể mất thanh khoản, phải thu hẹp quy mô đầu tư kinh doanh. Một phần nguyên nhân do tắc nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị đói vốn. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ nới thêm 1% tăng trưởng tín dụng ngân hàng để khơi thông dòng tiền trên thị trường".
Nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa chi nhánh vì khó khăn
Theo chia sẻ của ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha (Alpha Real), các sàn giờ mới ngấm đòn khó khăn. Thị trường gần như đóng băng khi mà giao dịch ‘chết đứng’, nhất là cuối năm tín dụng lại càng thắt chặt. Bây giờ đi giải ngân hồ sơ, ngân hàng rất khó cho vay, lại còn yêu cầu phải mua bảo hiểm. Điều này làm cho khách hàng bị cắt luôn nguồn hỗ trợ tín dụng”.
Ông Sơn cho biết, ngay tại Alpha Real môi giới nghỉ nhưng chưa nhiều, song tình hình nếu kéo dài 3-6 tháng nữa thì chắc chắn số lượng môi giới sẽ vơi dần. “Hiện tượng này không chỉ diễn ra tại sàn chúng tôi mà sắp tới các sàn khác cũng tương tự”, ông Sơn nói và cho biết hiện sàn của ông đã tinh giản, đóng cửa một số văn phòng tại các chi nhánh ở địa phương không cần thiết, tập trung những dự án chủ lực để cùng nhau tồn tại qua thời điểm này.
Cùng trong tình trạng tương tự, Giám đốc chi nhánh một sàn tại Hà Nội cho biết sàn của ông không có khách trong khi vẫn phải mất chi phí vận hành, thuê mặt bằng. “Hiện mỗi tháng, chúng tôi phải bù lỗ mấy tỷ đồng”, ông nói.
Vị giám đốc cho hay, vì không có hàng nên nhiều môi giới phải nghỉ việc để đi tìm công việc mới. Sàn nào giờ cũng giảm nhân sự khoảng vài chục %. “Ngay ở sàn chúng tôi, dù không có chính sách cắt giảm nhân sự nhưng nhân viên cũng tự nghỉ. Bởi vì sàn không có lương cứng, môi giới không bán được hàng trong thời gian dài thì sẽ tự nghỉ. Thời điểm này, môi giới dịch chuyển sang sàn khác cũng như nhau cả vì khó khăn chung trên thị trường”, ông đánh giá.
Một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã giải thể, những sàn quy mô cỡ trung và lớn trên thị trường cũng buộc phải cắt giảm nhân sự.
Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp, đồng quan điểm khi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, bất động sản đang trầm lắng khiến các sàn giao dịch rất khó khăn, qua trao đổi đại bộ phận các sàn đều “kêu” khó, thậm chí có nhiều sàn phá sản. Nguyên nhân là do không bán được hàng, nguồn cung rất ít, tín dụng siết và thị trường rất ảm đạm. “Các sàn lớn có sự cắt giảm nhân sự nhiều như Cen Group, Đất Xanh… ngoài ra các sàn lớn nhỏ khác cũng đều giảm tối đa. Hiện nay, lượng giao dịch rất thấp so với năm ngoái và những năm trước cho nên việc cắt giảm nhân sự là để sàn cân bằng và để duy trì được hoạt động”, ông Điệp phân tích.
Môi giới đồng loạt chuyển nghề
Khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản đóng băng, đồng nghĩa hàng nghìn môi giới từng làm công việc này cũng đổi nghề, tìm kiếm nghề khác để mưu sinh.
Tuy nhiên, đến hiện tại cũng có những môi giới đang cố gắng bám trụ nhưng họ cũng đang băn khoăn không biết lựa chọn của mình có đúng hay không hay "bỏ nghề" như một số đồng nghiệp khác.
Chị Lê Vân - một môi giới tại tập đoàn có tiếng Hà Nội, cho biết kể từ khi tín dụng bị siết, công ty chị có rất nhiều khách hàng trả lại cọc hoặc chịu mất cọc vì thủ tục không vay được.
Ngay trường hợp của chị Vân, một khách hàng đã cọc căn biệt thự biển 27 tỷ đồng ở Đà Nẵng nhưng lại không vay được dù chị đã liên hệ mọi ngân hàng nhưng đành từ bỏ. Theo chị Vân, trước đây hễ có khách là phía ngân hàng sẽ đi cùng để tư vấn nhưng nay ngược lại, môi giới và khách đi “cầu cạnh” ngân hàng, mà muốn gặp cũng khó vì không giải quyết được vấn đề gì.
Anh Bình (một môi giới BĐS tự do ở Bắc Ninh) cho biết, vài tháng nay anh vẫn đều đặn đăng bài bán đất qua các hội nhóm trên zalo và facebook, nhưng không ai hỏi mua. Trong khi đó, chỉ nửa năm trước thôi, mỗi ngày anh luôn bận rộn với hàng chục cuộc điện thoại và tiếp những lượt khách đi xem hàng. Cũng nhờ đó, anh đã trạnh thủ bỏ túi cả trăm triệu đồng từ việc môi giới.
“Tôi làm cò đất từ cuối năm 2021 rồi, vào thời điểm sốt đất, có tháng tôi giới thiệu bán thành công ba lô đất và lời được hơn trăm triệu. Thời điểm đó có rất nhiều nhóm khách gọi điện nhờ tôi tư vấn, sau đó một số khách cùng về xem thực tế và chốt rất nhanh chóng. Hầu như tháng nào tôi cũng có khách chốt cọc. Nhưng đã 4 - 5 tháng qua rồi không còn khách nữa, tôi đăng bài nhiều lần mà giờ chẳng ai hỏi mua.” – anh Bình nói.
Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, lượng môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tăng cao. Bất động sản là mặt hàng đặc thù, giá trị cao, chịu nhiều tác động của các vấn đề chính sách, vĩ mô kinh tế nên không dễ bán, đặc biệt khi thị trường suy giảm. Giai đoạn thị trường sôi động, việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này, nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới. Khi thị trường trầm lắng cũng là giai đoạn để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự.
Chia sẻ về những khó khăn mà đội ngũ môi giới bất động sản đang phải đối mặt, ông Phan Đại Dương - Phó Tổng Giám đốc CTCP Thương mại địa ốc An Phúc nói: "Trước đây, có thể môi giới chỉ phải cạnh tranh với 1-2 người thì nay phải cạnh tranh với 10 người để có đơn hàng. Đây là thanh lọc tự nhiên. Nếu bạn xác định môi giới bất động sản là nghề lâu dài, chuyên nghiệp thì hãy sẵn sàng dành giai đoạn này để tích lũy khách hàng. Có thể vẫn chốt được đơn, nhưng phải cạnh tranh hơn giai đoạn trước rất nhiều.
Còn nếu muốn thử nghề, tốt nhất nên chọn một công việc khác để theo đuổi. Chúng ta có thể làm văn phòng, lương 7-10 triệu. Nhưng làm sale bất động sản, nếu không chốt được đơn hàng có thể không có đồng nào", ông Dương chia sẻ.