Doanh nghiệp địa ốc ngóng Luật chuyên ngành sớm có hiệu lực
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt là bước tiến lớn cho thị trường. Đặc biệt, các luật có hiệu lực sớm hơn kế hoạch sẽ là trợ lực tốt hơn cho giai đoạn đầu phục hồi này.
Các doanh nghiệp BĐS đang rất mong chờ các luật chuyên ngành có hiệu lực sớm
Ông Đinh Văn Nghị, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinapol cho rằng, bất động sản là lĩnh vực nhận được nhiều sự hỗ trợ suốt thời gian qua. Các chuyển biến tích cực về mặt vĩ mô, nhất là hành lang pháp lý sẽ giúp thị trường bất động sản sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có. Các vấn đề lớn tồn tại lâu nay như chênh lệch cung - cầu, ách tắc pháp lý dự án… sẽ dần được tháo gỡ, từ đó tạo thêm nhiều nguồn cung cho thị trường, kéo giá nhà giảm xuống cũng như tạo sự cạnh tranh, minh bạch hơn cho lĩnh vực này.
Chủ tịch Tập đoàn G6, ông Nguyễn Anh Quê cho rằng, các luật chuyên ngành liên quan đến thị trường bất động sản sẽ có hiệu lực trước ngày 1/1/2025, điều này là động lực đáng kể giúp cho thị trường ổn định hơn trong những tháng cuối năm 2024.
Các luật chính thức có hiệu lực từ thời gian nào còn phụ thuộc vào kết quả kỳ họp Quốc hội lần này. Tuy nhiên có thể khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển lại thị trường bất động sản.
Theo ông Nguyễn Anh Quê, bên cạnh triển vọng các luật chuyên ngành có hiệu lực sớm, việc Chính phủ cam kết duy trì chính sách lãi suất thấp cũng khiến tâm lý đầu tư tốt lên, giúp thị trường bất động sản phục hồi. Nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn sử dụng đòn bẩy nợ vay cho hoạt động đầu tư của mình. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch phát triển dự án.
“Trước đây, chúng ta cần một khoảng thời gian dài để xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn, nhưng với nỗ lực lần này, thời gian đã được rút ngắn đáng kể, xuống còn 6-8 tháng kể từ ngày ban hành các luật. Nỗ lực này là rất đáng ghi nhận và có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư”, ông Quê cho biết thêm.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý bất động sản, ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản đang rất mong chờ các luật chuyên ngành có hiệu lực sớm. Hiện các chủ đầu tư đang tất bật hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án để khi luật chính thức có hiệu lực sẽ bám vào các thông tư, nghị định hướng dẫn kết hợp với các cơ quan quản lý xử lý hồ sơ.
“Gần như chắc chắn luật sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2024, điều này ít nhiều tạo nên sự hưng phấn từ các thành viên thị trường”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Luật mới có tác động thế nào về phía người mua?
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội Việt Nam đánh giá, việc có hiệu lực sớm có ý nghĩa tích cực, hướng đến bảo vệ lợi ích cho người mua nhà và tạo điều kiện cho người mua có quyền lựa chọn đối với sản phẩm nhà ở.
Đối với nhà ở hình thành trong tương lai, Luật Kinh doanh bất động sản 2024 yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đai và hàng loạt các văn bản khác như giấy phép xây dựng, nghiệm thu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền móng… trước khi thu tiền đặt cọc, ký hợp đồng mua bán với người mua, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Việc chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính đồng nghĩa với việc người mua cũng được đảm bảo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) sau này.
Bà Hằng cho biết, trước đây, tại không ít dự án, tới khi được bàn giao nhà và vào ở, người mua vẫn chưa nhận được sổ bởi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Khi luật này có hiệu lực sẽ giúp củng cố niềm tin từ phía người mua khi giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, người mua có quyền lựa chọn không có bảo lãnh từ tổ chức tín dụng cho các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình. Điều này tạo ra sự linh hoạt và giảm chi phí, thủ tục cho cả 2 bên.