Doanh nghiệp địa ốc hướng đến phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực
Sau thời gian dài khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc buộc phải rời bỏ thị trường hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp để tồn tại. Bước sang năm 2024, thị trường dù đã dễ thở hơn nhưng doanh nghiệp địa ốc vẫn trong trạng thái thận trọng, đặt mục tiêu kinh doanh ở mức an toàn và hướng tới việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Hiện thị trường bất động sản đang lệch pha cung - cầu, 70% là sản phẩm cao cấp, còn lại thuộc phân khúc trung cấp, hoàn toàn thiếu vắng sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền - phân khúc có tính thanh khoản cao, nhu cầu cao và có cơ hội phục hồi trước tiên khi thị trường gặp khó khăn.
Do đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các phân khúc mà người dân cần để tăng tính thanh khoản cho thị trường địa ốc.
Tại ĐHĐCĐ nhiều doanh nghiệp địa ốc đã công bố chiến lược phát triển mới, trong đó, tập trung hoàn thiện pháp lý để tái khởi động dự án, đồng thời, ưu tiên phát triển dự án thuộc phân khúc nhà ở thực, có tính thanh khoản cao.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - chủ tịch Kim Oanh Group cho biết đơn vị đang sở hữu quỹ đất sạch lên đến hơn 500ha tại khu vực phía Nam. Tất cả các dự án này đều tọa lạc tại những vị trí có giao thông kết nối thuận tiện, liền kề các khu công nghiệp lớn.
Kim Oanh dự kiến xây dựng 19 dự án nhà ở xã hội với khoảng 50.000 sản phẩm trên tổng quỹ đất 95ha, tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2022-2026 sẽ thực hiện 13 dự án với 30.000 sản phẩm tại Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Giai đoạn 2 từ 2026-2030 sẽ thực hiện tiếp 6 dự án với 20.000 sản phẩm tại Bình Dương, Đồng Nai. Đồng thời, ra mắt dòng sản phẩm nhà ở xã hội chuẩn Singapore tại Bình Dương vào tháng 6/2024 với 1.680 căn hộ và 1.667 căn nhà liên kế.
Tại TPHCM, Kim Oanh Group cũng đang tìm kiếm thêm quỹ đất phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Hay như mới đây, Tập đoàn Hoàng Quân ký kết hợp tác chiến lược với Novaland để xây nhà ở xã hội, mục tiêu hoàn thành 3.000 căn trong năm nay.
Theo thỏa thuận, Hoàng Quân và Novaland cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất sẵn có của cả hai để xây dựng các dự án nhà xã hội tại TP.HCM và nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Được biết, trước đó, Novaland tuyên bố sẵn sàng nhận nhiệm vụ phát triển 200.000 căn nhà xã hội tại các tỉnh phía Nam. Việc hợp tác với Hoàng Quân chính thức đánh dấu việc Novaland tham gia xây nhà ở xã hội.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến những lần bắt tay hợp tác làm nhà ở vừa túi tiền của các doanh nghiệp tên tuổi khác. Nổi bật phải kể đến liên minh của ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch Đồng Tâm Group, ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành với sáng kiến làm nhà ở dành cho người có nhu cầu phổ thông với giá dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Long An, Đồng Nai, Bình Dương...
Theo đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp... thông qua việc tối ưu hóa hệ sinh thái của Tập đoàn.
Riêng Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành sẽ nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.
Ngoài ra, một liên minh là "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu của ngành xây dựng Vinaconex - Viglacera cũng từng bắt tay hợp tác hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi, hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ đề ra.
Các dự án nhà ở xã hội do Vinaconex và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm mà Viglacera hoặc các đơn vị thành viên của Tổng công ty này có khả năng cung cấp trên theo nguyên tắc "đảm bảo chất lượng - giá cả cạnh tranh".
Cũng theo nguyên tắc trên, phía Viglacera và các đơn vị thành viên khi thực hiện dự án nhà ở xã hội sẽ sử dụng các sản phẩm của Vinaconex như dịch vụ tư vấn thiết kế ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới; công nghệ sản xuất và lắp dựng cấu kiện bê tông dự ứng lực; sản phẩm bê tông ứng suất trước tiền chế...
Hai doanh nghiệp đều bày tỏ tâm huyết muốn tham gia vào phân khúc thị trường nhà ở xã hội để tạo ra những sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trải qua những đợt khó khăn, các doanh nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm quý giá, để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông Châu, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM còn tiếp tục mất cân đối cung cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên hoặc neo giá cao. Thị trường vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
“Các luật nếu sớm đi vào thực tiễn sẽ tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi”, Chủ tịch HoREA dự báo.
Cũng theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản được dự báo sẽ khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2024. Về thanh khoản, các chuyên gia và nhà đầu tư cũng kỳ vọng khởi sắc hơn ở phân khúc chung cư trung cấp và bình dân, nhà ở xã hội ở trung tâm và các tỉnh ven trung tâm khi nhu cầu mua nhà ở thực gia tăng.
Đặc biệt, phân khúc căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực tại nội đô hoặc ven trung tâm có cơ sở hạ tầng phát triển cũng được dự báo sẽ có khả năng hồi phục sớm trong năm 2024 do sự gia tăng liên tục của tầng lớp trí thức, ngày càng nhiều gia đình có nhu cầu mua nhà để con cái có nơi an cư và học tập tại các thành phố lớn. Việc đầu tư vào giao thông, y tế, giáo dục... giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hút người dân đến sinh sống và làm việc, từ đó thúc đẩy nhu cầu sở hữu căn hộ khu vực trong thành phố.