Doanh nghiệp gặp khó với logistics

Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu-châu Mỹ sáng 17/12, các doanh nghiệp, hiệp hội đều cho biết gặp khó khăn trong vấn đề logistics do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sáng 17/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu-châu Mỹ. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có những nhận định về sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua.

Các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tham dự diễn đàn.  
Các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tham dự diễn đàn.  

Theo Thứ trưởng, ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 tại Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam đạt được. Bên cạnh đó, logistics đóng góp vào GDP ở mức 4-5%, tăng trưởng từ 14-16% mỗi năm. Hiện cả nước có 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề như: chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị… do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Roger Wu, Giám đốc phát triển kinh doanh Cảng Long Beach (California, Mỹ) cho biết: Covid-19 đã tạo ra một tình huống chưa hề có tiền lệ, chưa có phương án xử lý. Tình trạng tắc nghẽn rất lớn tại khu bờ Tây của Mỹ đã diễn ra thời gian dài. Bên cạnh đó, khách hàng chuyển sang mua sắm qua mạng, trong bối cảnh đại dịch đã khiến các đơn vị, doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Còn theo ông Han Kerstens, Phó trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần Eurocharm, Việt Nam đã rất nỗ lực trong ứng phó với đại dịch và đảm bảo vận tải, hậu cần. Tuy nhiên, chi phí vận tải biển đã gia tăng rất nhiều. Các doanh nghiệp đang than phiền khi không thể chuyển hàng tới châu Âu do không tìm được container phù hợp. Doanh nghiệp thậm chí đặt hàng đường sắt chứ không chờ đường biển. Ông Kerstens cho rằng cần phải có những sự điều chỉnh, không phụ thuộc vào đường biển nữa.
Về phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Phó tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam: cho biết, châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường chiếm 38% thị phần xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng bởi Covid-19, logistics đình trệ đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, theo ôngNam “Hàng đông lạnh đau khổ rất nhiều, doanh nghiệp nhỏ lại đau khổ hơn nữa”. Vận tải cước tăng, phí tăng, thời gian tăng, hoãn tăng, tự đẻ ra các loại phí tăng.

Ở góc độ logisticscác doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với 5T. Đó là cước tăng; phí tăng; thời gian vận chuyển biển tăng; “booking” (đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, tần suất tăng nhiều hơn, số ngày bị hoãn càng tăng; các loại phí cũng ngày càng tăng”- ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Dẫn chứng về cước tăng, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, nếu như trước tháng 11/2020 hầu hết đi trong 2 khu vực Âu, Mỹ cao nhất là 3.000 USD/container, hiện nay Bờ Đông (Hoa Kỳ) là 17.000 USD/container, Bờ Tây (Hoa Kỳ) khoảng 13.000 -14.000 USD/container, châu Âu là khoảng 12.000-14.000 USD/container tùy cảng chính, cảng phụ, đi Trung Đông trước đây không đến 1.500 USD/container thì hiện nay khoảng 10.000 -11.000 USD/container. “Rõ ràng điều này tạo áp lực lớn với doanh nghiệp khi đưa hàng hóa đến khách hàng đã ký theo hợp đồng”- ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.

Về phương hướng giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là điều cấp thiết. Trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, gồm vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động trong sản xuất, cố gắng ký hợp đồng với đối tác vận tải lớn, để họ sắp xếp đưa hàng đi.

Duy Khánh

Theo Kinh doanh & Phát triển