Cụm cảng Vũng Áng có tiềm năng trở thành hệ sinh thái logistics

Hội thảo trực tuyến “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh – kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào” diễn ra vào sáng 28/10 đã giới thiệu tiềm năng kết nối hàng hóa liên vùng, đồng thời đưa ra các giải pháp logistics mới cho tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối Vũng Áng.

5 chủ đề được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo bao gồm: Phát triển thị trường Hà Tĩnh – Giải pháp kết nối liên vùng của Tổng Công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn; Cảng Quốc tế Lào – Việt – Điểm kết nối chiến lược để phát triển trung tâm logistics Vũng Áng; Dự án liên kết logistics tại Lào; Cảng cạn Thanaleng – Tiềm năng logistics liên kết Lào Việt và chủ đề Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh- kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào – Chiến lược hành động.

Vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế

Hà Tĩnh có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải biển quốc tế cả đường biển và đường bộ. Đó là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung bộ và một phần của Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Cụm cảng Vũng Áng được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, có vị trí “vàng” trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế.

Khu vực Vũng Áng - Sơn Dương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư (ảnh Google Earth).
Khu vực Vũng Áng - Sơn Dương có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư (ảnh Google Earth).

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó, cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là đầu mối khu vực - cảng biển loại I, cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Cùng với đó, Hà Tĩnh có cơ sở hạ tầng kết nối thông suốt liên vùng, đa phương tiện.

Thành phố Hà Tĩnh cách sân bay Vinh 50km với chưa đầy 1 giờ chạy xe, cách sân bay Đồng Hới 141km với khoảng 2 giờ chạy xe. Đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Hà Tĩnh dài khoảng 71km với 8 ga; Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh là các tuyến dọc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khá liên hoàn, thông suốt.

Tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai. Đây là tuyến đường giao thông “huyết mạch”, giúp phát triển lượng hàng quá cảnh từ Lào.

Để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng cảng cạn với quy mô khoảng 5 - 10 ha, năng lực thông qua 13.500 - 27.000 TEU/năm.

Đáng chú ý, quy hoạch Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng đang thực sự trở thành KKT đa chức năng.

Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Đây cũng sẽ là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Để kích cầu thị trường, ngày 28/4/2021, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã có Nghị quyết cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng, thu hút doanh nghiệp.

Cùng thời điểm này, trên cơ sở cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và TCT Tân Cảng Sài Gòn, chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng quốc tế Lào - Việt (cảng Vũng Áng) do Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt và Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) - thành viên thuộc hệ thống TCT Tân Cảng Sài Gòn hợp tác triển khai.

Đây là tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Từ đó đến nay đưa vào khai thác ổn định 2-4 chuyến/tháng, đảm bảo nhu cầu vận chuyển cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Điều này đã đánh dấu bước đầu thành công trong chiến lược kiến tạo giải pháp kết nối logistics tại thị trường Hà Tĩnh của TCT Tân Cảng Sài Gòn và từng bước tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra các thị trường nước ngoài. Khi tuyến container được duy trì sẽ tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng, thu hút thêm nguồn khách hàng tiềm năng từ các nhà máy, khách hàng xuất nhập khẩu, các công ty cung cấp dịch vụ logistics tại các địa phương lân cận, đối tác và khách hàng của Lào và Thái Lan.

Với những điểm nhấn trên, Hà Tĩnh đang trở thành “điểm đến đầu tư” đầy triển vọng, liên tục nằm trong các tỉnh tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.

Hàng loạt các dự án lớn tại Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động như Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Nhà máy Bao bì Sông La Xanh, Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech, giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản An Việt Phát,… đã tạo nên nhu cầu dịch vụ logistics lớn hơn cho địa phương.

Nhiều tập đoàn đang đề xuất nghiên cứu khảo sát xây dựng một tổ hợp cảng biển, trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối Cảng biển Vũng Áng với các cảng biển quốc tế.

Giải pháp logistics mới

Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Tĩnh cần một chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới sự kết nối, đồng hành để phát triển các dịch vụ logistics cũng như tăng cường luồng hàng hóa quốc tế từ Lào và Thái Lan thông qua cảng Vũng Áng.

Hà Tĩnh cần quy hoạch chi tiết đồng bộ cả trên bờ và dưới nước ở khu vực cảng Vũng Áng, từ đó mời các doanh nghiệp lớn đến công bố và kêu gọi đầu tư. Doanh nghiệp sẽ yên tâm đến đầu tư lâu dài.

Cùng với đó, địa phương cần ưu tiên nguồn lực, kêu gọi đầu tư xây dựng một khu logictics xứng tầm là trung tâm có công năng tích hợp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ.

Bao gồm các dịch vụ phục vụ hàng hóa như: Bốc xếp, lưu trữ, sơ chế, đóng gói dán nhãn, kiểm định chất lượng, phân phối, xử lý; dịch vụ vận tải, giao nhận môi giới thuê tàu; sửa chữa bảo dưỡng phương tiện bốc xếp, cung ứng sửa chữa container… nhằm thu hút được cả hàng hoá các tỉnh phía Bắc, Lào, Đông bắc Thái Lan và Nam Trung Quốc xuất khẩu trực tiếp đến các khu vực nội Á, EU, Mỹ, Trung Đông…

Chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp xứng tầm vào đầu tư hạ tầng KCN làm “đầu kéo” cho phát triển.

Các đơn vị tham gia kinh doanh, quản lý tại cảng Vũng Áng - Sơn Dương như Công ty cảng Vũng Áng Việt - Lào, Cảng vụ Hàng hải, đặc biệt Tổng công ty khoán sản Hà Tĩnh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về phát triển cảng Vũng Áng.

Hệ sinh thái logistics tại Vũng Áng - Hà Tĩnh sớm được hoàn thiện sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế chung toàn vùng thời gian tới.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam