Giá trị gia tăng ngành logistics rơi vào tay doanh nghiệp ngoại

Có đến 85% doanh nghiệp logistics Việt vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ tham gia dịch vụ cơ bản như đóng gói.

Đây là thông tin được ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục hải quan TP.HCM đưa ra tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP.HCM”.

Trong tham luận của mình, ông Thắng đưa ra nhiều con số cho thấy ngành logistics đang thiếu đầu tư, dẫn đến kết quả thu được chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông dẫn chứng, tình trạng kẹt tại cảng ngày càng trầm trọng. Xe container vào cảng Cát Lái phải nhích từng tí một, mất 3 - 4 tiếng mới vào được, mỗi xe chỉ quay đầu ra được 1 lần trong ngày, rất lãng phí. Ngay cảng Tân Sơn Nhất cũng vậy, thương mại điện tử tăng 22%, trong khi các kho hàng chuyển phát nhanh quá nhỏ, chỉ phù hợp cho lượng hàng của năm 1995…

Thị phần và giá trị gia tăng ngành logistics Việt Nam đang rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại  
Thị phần và giá trị gia tăng ngành logistics Việt Nam đang rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại  

"Chúng ta muốn xây dựng TP thành trung tâm tài chính, trung tâm du lịch nhưng tàu bè vào không được. Trung tâm du lịch phải có trung tâm mua sắm miễn thuế, nhưng chúng ta không có nơi cho khách tiêu tiền rất phí. Mỗi năm hải quan TP hoàn thuế cho khách mua hàng hiệu tầm 20 triệu USD, con số này không cao so với tiềm năng lớn của chúng ta", báo Thanh niên dẫn lời Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh tại hội thảo.

Cũng theo ông Thắng, có đến 85% doanh nghiệp logistics Việt vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ tham gia dịch vụ cơ bản như đóng gói. Họ thiếu vốn, nhân lực, công cụ và công nghệ để phát triển xứng tầm vóc, quy mô của thị trường.

“Chúng ta chủ động với nhiều lợi thế là có cảng, có kho bãi, nhân lực, doanh nghiệp kinh doanh cảng cũng của trong nước, trong khi doanh nghiệp nước ngoài chỉ có tàu vận tải nhưng giá trị gia tăng của ngành logistics đang rơi vào tay doanh nghiệp ngoại là điều vô cùng lãng phí, xót xa”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận, việc đầu tư cho logistics thực tế "chưa làm gì nhiều". Các doanh nghiệp chủ yếu phát triển tự phát và chưa có sự quy hoạch phát triển bài bản, sự vào cuộc tổng thể của các sở, ngành. Hạ tầng giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy đều chậm. Những đường mang tính động lực phát triển chưa hoàn thành. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả hành khách và hàng hóa.

"Cơ sở hạ tầng chỉ khai thác một thời gian rất ngắn nữa sẽ hết công suất phát triển", ông Vũ lo ngại.

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước, nhất là ở TP.HCM, đang có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới do biến chủng mới nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian tới, có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường và có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế an toàn. Để thu hút và giữ chân doanh nghiệp FDI, logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đúng mức.

Bà Phương đề xuất, cần xem xét đưa ngành logistics trở thành một trong những nhóm ngành ưu tiên cho gói kích cầu phát triển kinh tế TP.HCM.

"Nhóm ngành logistics chiếm 8,9% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố nhưng là ngành có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư.

Do vậy, việc hỗ trợ gói kích cầu cho ngành không chỉ có ý nghĩa giúp các doanh nghiệp logistics phát triển mà còn hỗ trợ các ngành nghề khác giảm chi phí, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn vốn FDI và đem lại nguồn thu cho thành phố", bà nói.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt