Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng đột biến có liên quan “sốt đất”?
Kinh doanh bất động sản có 2.727 doanh nghiệp (tăng 56,5%), tính trung bình mỗi ngày có 22 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời trong 4 tháng đầu năm 2021.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4/2021, có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179,9 nghìn tỷ đồng , tăng 33,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về vốn đăng ký so với tháng 3/2021.
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017-2021. “Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi của nền kinh tế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề kinh doanh. Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tăng mạnh nhất với 2.727 doanh nghiệp(tăng 56,5%); Tiếp đến là y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 41,9%; Hoạt động dịch vụ khác 37,9%...
Sốt đất ảo dịp đầu năm diễn ra tại Bình Phước.
Về quy mô, doanh nghiệp thành lập mới vẫn tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 39.147 doanh nghiệp, chiếm 88,6%; Ở quy mô 10-20 tỷ đồng chiếm 5,5%; Từ 20-50 tỷ đồng chiếm 3%; Từ 50-100 tỷ đồng là chiếm 1,4% và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1,5%.
Ở chiều ngược lại, do chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, tổng cộng 4 tháng có khoảng 51.500 doanh nghiệp rút lui, trong đó 28.350 tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 16.400 chờ làm thủ tục giải thể. Đặc biệt, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ.
Tác động nhiều nhất ở ngành phân phối, y tế, giáo dục, khai khoáng, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp. Hơn 91% doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 89% doanh nghiệp đã giải thể có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, hoạt động dưới 5 năm.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp đang chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng và xem xét diễn biến thị trường, tìm kiếm hướng đi mới hoặc chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi quyết định tiếp tục kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại.
Việc doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng đột biến trùng với thời điểm nhiều tỉnh, thành phố xảy sốt đất. Tại nhiều tỉnh thành ghi nhận, giá đất trước và sau Tết nguyên đán tăng tới 30%, thậm chí nhiều nơi tăng 50%.
Nhìn nhận về việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng có liên quan tới sốt đất nhiều tỉnh thành, một lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc sốt đất nhiều tỉnh thành chủ yếu ăn theo quy hoạch như quy hoạch sân bay, đường hay các huyện sắp lên quận trong tương lai gần và không liên quan tới việc doanh nghiệp nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh.
“Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng mạnh do triển vọng thị trường bất động sản sau 1 năm trì trệ sẽ tăng trưởng mạnh chứ hoàn toàn không liên quan chuyện sốt đất đang diễn ra ở các địa phương. Việc sốt đất khắp nơi chủ yếu do nhóm nhỏ các nhà đầu tư kết hợp với môi giới tạo sóng ảo”, vị này nói.