Doanh nghiệp siêu nhỏ cần chính sách cho vay riêng

Phân tích sâu về tính chất đặc thù của doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN), chuyên gia Lê Vân Chi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị: các ngân hàng thương mại cần xây dựng chính sách cho vay riêng, giúp loại hình doanh nghiệp chiếm đa số này được đứng vững và phát triển.

Khi quy mô doanh nghiệp có mối quan hệ thuận chiều với khả năng tiếp cận vốn

Trong những ngày đầu năm mới, thông tin tích cực từ NHNN là từ 15/7/2021 đến 31/12/2021, 16 ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất, với số tiền lên tới 21.244 tỷ đồng, vượt tổng số tiền mà các ngân hàng này đã cam kết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Vân Chi, một thực tế cho thấy, các DNSN - nhân tố quan trọng trong nền kinh tế lại rất khó tiếp cận vốn, trong khi, vốn ngân hàng là nguồn vốn quan trọng đối với loại hình doanh nghiệp này.

Rào cản tiếp cận vốn ngân hàng của DNSN được nhìn nhận theo 6 khía cạnh: Quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động, ngành nghề kinh doanh, cấu trúc tài sản, khả năng sinh lời của doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng quy mô của doanh nghiệp có ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp đó. Đây là mối quan hệ thuận chiều, quy mô của doanh nghiệp càng lớn, khả năng nhận được các khoản vay từ ngân hàng thương mại (NHTM) càng dễ dàng hơn. Quy mô nhỏ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm ẩn rủi ro hoạt động cao, do đó khả năng phá sản cao hơn.

Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động càng lâu năm, khả năng nhận được các khoản vay ngân hàng sẽ càng cao và ngược lại, những doanh nghiệp mới thành lập, khả năng bị từ chối khi vay vốn NHTM sẽ cao.

Đối với ngành nghề kinh doanh, tín dụng ngắn hạn từ NHTM được sử dụng bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại nhiều hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, kinh doanh khách sạn. Doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và các ngành khai thác lại phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính dài hạn từ NHTM. Các ngân hàng sẵn sàng cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ, hỗ trợ hơn là cho ngành nông nghiệp do mức độ rủi ro cao.

Tác động của cấu trúc tài sản đối với việc tiếp cận vốn của DNSN chủ yếu thể hiện ở khả năng cung cấp tài sản thế chấp. Các công ty có tỷ lệ tài sản cố định lớn hơn có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, có thể vay với lãi suất thấp hơn vì các khoản vay của họ được bảo đảm bằng các tài sản này.

Các yếu tố liên quan tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp nhỏ có nhiều tài sản vô hình có xu hướng vay ít hơn từ ngân hàng so với các công ty có nhiều tài sản hữu hình.

Một yếu tố không kém phần quan trọng đang tạo rào cản cho việc tiếp cận vốn từ NHTM của DNSN là khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khả năng sinh lời của doanh nghiệp càng cao, doanh nghiệp càng dễ dàng nhận được vốn vay từ NHTM hơn.

Cùng với đó, kế hoạch kinh doanh là một tài liệu được các chủ doanh nghiệp nộp cho ngân hàng hoặc bất kỳ tổ chức tài chính nào khác để được hỗ trợ tài chính. Trong khi, các doanh nghiệp gia đình, các DNSN thường phụ thuộc tài chính vào các nguồn phi chính thức vì họ thường thiếu các kế hoạch kinh doanh đầy đủ, bài bản, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh. Bởi vậy, khả năng tiếp cận vốn ngày càng khó khăn hơn.

NHTM không nên quá chú trọng tài sản đảm bảo

Trước thực trạng trên, chuyên gia Lê Vân Chi khuyến nghị, để nguồn vốn tín dụng từ NHTM là một kênh huy động vốn chính yếu đối với các DNSN, đặc biệt khi mà khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp này không thể mở rộng ra thị trường tài chính do các yêu cầu của kênh tài chính này là quá sức với họ, yếu tố then chốt đối với DNSN là cần phải nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Một mặt, việc kinh doanh hiệu quả giúp DNSN gia tăng thời gian hoạt động của mình, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay NHTM hơn, mặt khác chính việc kinh doanh hiệu quả sẽ giúp tài chính doanh nghiệp vững vàng, đồng thời độ lớn của doanh nghiệp sẽ có cơ hội được cải thiện.

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, chiến lược và phương hướng kinh doanh là điều DNSN cần chú trọng.

DNSN cần liên tục cải cách phương án kinh doanh phù hợp với sự phát triển chung trong ngành nghề và lĩnh vực của mình, từ đó, giúp doanh nghiệp tồn tại và gia tăng hiệu quả hoạt động. Đối với những nhà hoạch định chính sách, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ DNSN để họ cải thiện hiệu quả và thời gian hoạt động của mình là điều nên được quan tâm. Các chính sách hỗ trợ về thuế của các DNSN trong giai đoạn quy mô doanh nghiệp còn bé là một cách để tham khảo.

“Bên cạnh đó, các NHTM cần xây dựng chính sách cho vay riêng với DNSN bởi đặc thù doanh nghiệp này không được như các doanh nghiệp vừa và lớn. NHTM nên chú trọng đến khả năng kinh doanh, chiến lược và phương án của DNSN trong việc ra quyết định cho vay, thay vì quá chú trọng tài sản đảm bảo – điều mà các DNSN khó có thể đáp ứng theo yêu cầu của NHTM. Đây sẽ là yếu tố quyết định đến khả năng phát triển và hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ DNSN có thể đủ vốn để mở rộng hoạt động của mình”, chuyên gia Lê Vân Chi khuyến nghị.

Hà Anh

Theo Doanh Nghiệp Việt Nam