Doanh nghiệp xây dựng cần được “giải cứu”

Ngoài việc đối diện với tình trạng “leo thang” của giá vật liệu, các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với một loạt các vấn đề liên quan. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chết dần từng ngày, còn DN dẫn đầu chỉ đạt chừng 30 – 40% kế hoạch của năm.

Ngày 27/06, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: Trong khi các DN nhỏ và vừa đang chết dần thì 10 DN dẫn đầu chỉ đạt chừng 30 – 40% kế hoạch của năm kể cả doanh thu và sản lượng.

Ví dụ, sản lượng của Vinaconex chỉ đạt 5.000 tỷ đồng trên 14.000 tỷ đồng, tương đương 35,7%. Doanh thu của doanh nghiệp đạt 3.600 tỷ đồng so với kế hoạch 11.300 tỷ đồng, tương đương 31,8%.

Đáng nói, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng thấp hơn kế hoạch vì ách tắc thủ tục dự án, dự án triển khai chậm, thiếu công việc cho nhà thầu. Đặc biệt, với các dự án đầu tư công, nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp xây dựng đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh minh họa).  
Doanh nghiệp xây dựng đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh minh họa).  

Nguyên nhân trực tiếp là do giá vật tư đầu vào tăng mạnh và không có loại vật liệu xây dựng nào không tăng. Đến thời điểm này, giá thành của các dự án xây dựng trong năm 2022 tăng 18 – 30% và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đồng thời cũng chưa có biện pháp ngăn chặn hay bù giá cho nhà thầu.

Tính từ quý 4/2020 đến nay, giá dầu tăng 240%; giá cát tăng thêm khoảng 60.000 đồng lên mức 360.000 đồng/m3; giá nhựa đường cuối quý 4/2020 là 11.000 đồng/kg nay là 15.500 đồng/kg; giá thép tăng 20 – 60% so với đầu năm 2021; giá xi măng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg.

Vấn đề lực lượng lao động, ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, chiếm 70%. Tuy nhiên sau dịch, lực lượng này không quay lại làm việc, một phần do cơ hội việc trở nên đa dạng hơn. Do vậy, dù đơn giá nhân công tăng 25-30%, các doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân lực.

Một số nhà thầu tính toán, theo đơn giá bình thường, kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công thì doanh nghiệp lãi khoảng 4%, nhưng do nợ đọng, giá tăng quá cao mà không được bù giá nên nhà thầu càng làm càng lỗ.

Hiện, chỉ một số ít doanh nghiệp không nhận thầu các dự án đầu tư công mà thi công cho nhà đầu tư FDI, hoặc tìm được việc làm trên thị trường thế giới thì kinh doanh có hiệu quả, còn lại hầu hết vướng nợ nần, thua lỗ.

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh kéo dài khiến nhiều chủ đầu tư và nhà thầu gặp khó khăn.  
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh kéo dài khiến nhiều chủ đầu tư và nhà thầu gặp khó khăn.  

“Việc cạn “room” tín dụng cũng đang khiến các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn về dòng vốn. Được cấp vốn nhỏ giọt nên rất khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, DN xây dựng càng làm càng lỗ.

Các DN trong ngành kỳ vọng có thể phục hồi trong những tháng cuối năm nhờ vào việc Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Thế nhưng, bão giá vật liệu xây dựng cũng chính là nguyên nhân cản trở việc giải ngân.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chết dần, thậm chí chết rất nhanh. Chỉ có những doanh nghiệp uy tín tham gia các dự án FDI mới có thể tồn tại. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận các công trình đầu tư công, chỉ thực hiện các dự án FDI…

Ông Hiệp chia sẻ, việc nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam giúp triển vọng trong năm nay khả quan hơn. Lượng công việc, công ăn việc làm do doanh nghiệp FDI mang lại chiếm 30% tổng số của ngành xây dựng. Hiện nay có những dự án rất lớn, ví dụ dự án Lego ở Bình Dương có tổng giá trị gói thầu lên tới 400 triệu USD.

Dẫu vậy, ngành xây dựng đang phát sinh tình trạng phân hóa khi chỉ có những doanh nghiệp, dự án có vốn FDI uy tín, vững vàng mới có thể tồn tại trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh “chết dần, thậm chí chết rất nhanh”.

Đơn cử như dự án Lego, hiện chỉ có 2 đơn vị là Conteccons và Newtecons cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên thủ tục đầu tư ở Bình Dương vẫn đang vướng mắc ở quá trình giải phóng mặt bằng.

“Những doanh nghiệp như Vinaconex có tới 80% công việc nằm ở dự án nước ngoài. Đây cũng có thể coi là lối thoát cho doanh nghiệp”, ông Hiệp cho biết.

Báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện VACC nêu thực trạng doanh nghiệp xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt sợ thực hiện dự án đầu tư công do giá nguyên vật liệu tăng nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho hay, các nhà thầu và chủ đầu tư các dự án tư nhân cũng phải thương lượng và đàm phán lại hợp đồng, giá cả thì mới có thể hoàn thành công trình.

“DN chúng tôi hiện không tham gia các dự án đầu tư công. Tuy nhiên ở góc độ là Phó chủ tịch VACC, tôi hy vọng nhà nước có chính sách hỗ trợ, bù giá phù hợp với tình hình trượt giá hiện nay. Vì cơn sốt giá diễn ra trên quy mô toàn cầu, kéo dài là thực tế khách quan và các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hải đề xuất.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh & Phát triển