Doanh thu vượt mốc vạn tỷ, Sơn Hà có năm tăng trưởng thứ 11 liên tiếp
Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) có doanh thu thuần vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 11 liên tiếp, doanh nghiệp này có doanh thu tăng trưởng liên tiếp, đồng thời là năm thứ 5 liên tiếp doanh thu tăng trưởng ở mức hai chữ số.
Bức tranh kinh doanh sáng màu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của SHI, quý IV/2024, doanh thu thuần đạt 3.922 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây không chỉ là quý có doanh thu cao nhất năm 2024 mà còn cao nhất lịch sử của doanh nghiệp này.
Nhờ vậy, luỹ kế cả năm 2024, doanh thu thuần đạt 11.251 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, lập đỉnh mọi thời đại.
Với doanh thu “khủng”, lợi nhuận gộp cũng lên tới 952 tỷ đồng, tăng 14%, cao nhất từ trước đến nay. Biên lợi nhuận gộp đạt 8,46%, chỉ giảm 0,25% điểm % so với năm trước, phản ánh khả năng quản trị giá vốn khá tốt của SHI.
Điều khá ấn tượng trong bức tranh kinh doanh của SHI năm 2024 là việc kiểm soát chi phí rất tốt. Trong bối cảnh doanh thu tăng mạnh, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu thuần có thể giảm tới 0,35 điểm % so với năm trước, đạt 8,13%. Trong đó, tỷ lệ chi phí tài chính/doanh thu thuần giảm 0,62 điểm % (còn 3,19%), tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu thuần giảm 0,11 điểm % (còn 1,57%).
Vì thế, kết thúc năm 2024, SHI có lãi trước thuế 170 tỷ đồng, tăng 63% và lãi sau thuế 111 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước. Đây là mức lãi sau thuế cao thứ hai trong lịch sử doanh nghiệp này, chỉ sau năm 2021 (136 tỷ đồng).
Năm 2024, SHI đặt mục tiêu 9.900 tỷ đồng doanh thu thuần, 62 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 13% mục tiêu doanh thu và vượt 79% mục tiêu lợi nhuận.
Chuyển biến tích cực trên bảng tài sản
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SHI đạt 9.448 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm tích cực là tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn tăng 12% lên 481 tỷ đồng, tương đương 5% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho tăng 13% lên 1.378 tỷ đồng, tương đương 14,5% tổng tài sản, chủ yếu là giá trị nguyên vật liệu. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ cho biên lợi nhuận của SHI trong tương lai khi giá thép có xu hướng đi lên.
Điểm gợn duy nhất là các khoản phải thu tăng 35% lên 5.279 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng tài sản. Tuy vậy, diễn biến này của các khoản phải thu là tất yếu khi SHI đã mở rộng thị phần rất nhanh trong năm 2024, đơn cử như cuộn cán innox tăng tới 297% so với năm trước. Về cơ bản, các khoản phải thu có chất lượng khá tốt khi vẫn trong điều kiện thanh toán. Giải trình từ SHI cho thấy phần lớn trong số đó sẽ được thu hồi vào quý I/2025.
Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả đạt 7.343 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 4.464 tỷ đồng, tăng 18%. Sự gia tăng về nợ vay của SHI xuất phát từ việc công ty có nhu cầu vốn lưu động lớn khi đẩy mạnh doanh số cũng như gia tăng hoạt động đầu tư vào nhà máy sản xuất ống inox công nghiệp tại Bình Dương và triển khai khu công nghiệp Tam Dương tại Vĩnh Phúc. Đó là chưa kể, dư nợ vay tăng một phần do yếu tố kĩ thuật – tức do sự thay đổi của quy định về việc phân loại L/C UPAS, trước đây được ghi nhận là phải trả khác, giờ được phân loại là nợ vay ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc không có nhiều lo ngại về sự gia tăng nợ vay của SHI.
Bởi điều quan trọng hơn cả là SHI đang cho thấy khả năng cân đối dòng tiền khá tốt. Tiền và tương đương tiền cuối năm 2024 đạt 71 tỷ đồng, chỉ giảm 8 tỷ đồng so với đầu năm. Thanh khoản ổn định là điều kiện quan trọng để công ty thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh một cách liên tục, tạo ra tăng trưởng.
Như vậy, nhìn một cách tổng quát, SHI đã trải qua năm 2024 khá thành công trên nhiều phương diện, đúng với chủ trương đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) 2024: tập trung cho sản xuất, đầu tư mũi nhọn, không dàn hàng ngang. Vì vậy, AGM 2025 của SHI diễn ra trong thời gian tới sẽ rất đáng quan tâm. Giới quan sát muốn xem, sau một năm lập kỷ lục, SHI sẽ có tính toán gì khác biệt trong một năm được nhìn nhận là khởi đầu của “kỷ nguyên mới”.