Độc đáo căn biệt phủ xây từ 4.000 cây dừa trăm tuổi của lão nông miền Tây

Được xây dựng và chế tác bởi hơn 4.000 cây dừa có độ tuổi gần 100 năm, “căn nhà dừa” thuộc xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long trở thành địa điểm thăm quan độc đáo của du khách mỗi năm.

Ở cù lao An Bình, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có một công trình đặc biệt thuộc sở hữu của cặp vợ chồng lão nông được xây dựng từ 4.000 cây dừa có tuổi đời từ 80-100 năm với kinh phí gần 6 tỷ đồng.

Tất cả nội thất trong nhà như bàn, ghế, cột, trụ đều được chế tác từ gỗ dừa
Tất cả nội thất trong nhà như bàn, ghế, cột, trụ đều được chế tác từ gỗ dừa

Ông Dương Văn Thưởng (80 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Giác đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ cây dừa. Ông Thưởng, sinh ra và lớn lên ở miền Tây, đã có ước mơ xây dựng một ngôi nhà theo kiểu truyền thống Nam Bộ bằng gỗ dừa, chất liệu quen thuộc với làng quê của mình.

Mặc dù cây dừa phổ biến ở miền Tây, việc sử dụng gỗ dừa để xây nhà không phải là điều thường thấy. Điều này bởi gỗ dừa có đặc tính khá đặc biệt, gồm nhiều thớ đan kết vào nhau và tạo thành lớp. Chỉ khi cây dừa đạt độ tuổi từ 30 trở lên, gỗ của nó mới có thể được sử dụng. Đối với việc làm cột, cây dừa phải có tuổi từ 60-70 để đạt độ cứng và bền.

Không gian đậm chất thiên nhiên miền Tây của căn bà ông bà Thưởng.
Không gian đậm chất thiên nhiên miền Tây của căn bà ông bà Thưởng.

Ông Thưởng cho biết, để xây dựng căn nhà theo ý muốn, ông đã mất 10 năm từ khi có ý tưởng cho đến khi hoàn thiện công trình. Năm 2009, ông và gia đình bắt tay vào quy hoạch khu đất rộng 4.000m2 để trồng cây dừa theo hàng lối, tạo cảnh quan đẹp xung quanh ngôi nhà. Vào năm 2017, ông mời những nghệ nhân và thợ lành nghề về xây dựng công trình.

Gia đình ông đã đi khắp các tỉnh miền Tây để tìm mua những cây dừa già có tuổi đời từ 80-100 năm, chủ yếu từ Bến Tre và Vĩnh Long. Sau khi mua về, những cây dừa này được ngâm nước trong một năm và sau đó được xử lý chống mối mọt kỹ lưỡng. Nhờ đó, cây dừa có độ bền cao, không thua kém các vật liệu như bê tông cốt thép.

Ngôi nhà của ông Thưởng và bà Giác mang kiểu truyền thống Nam Bộ với kiến trúc 3 gian 2 chái. Căn nhà chính có diện tích 300m2 và tất cả các chi tiết trong nhà, từ cột kèo, lam, vách đến nội thất trang trí và đồ sinh hoạt, đều được làm từ các phần của cây dừa như thân, rễ và gáo dừa. Ngoại trừ mái ngói, ngôi nhà này hoàn toàn chống đỡ bằng 36 cột gỗ dừa vững chãi.

Những quả dừa được chế tác tỉ mỉ và khéo léo thành những món đồ nội thất thú vị.
Những quả dừa được chế tác tỉ mỉ và khéo léo thành những món đồ nội thất thú vị.

Bà Anna, một du khách người Australia chia sẻ: “Nhiều sản phẩm làm từ gỗ dừa quá đẹp, người tạo ra những sản phẩm này thật giỏi, quá công phu. Tôi thích nhất 12 con giáp được tạo nên từ những cây dừa, đầy tính nghệ thuật”.

Em Hồng Giang (sinh năm 2003, quê Quảng Nam) cho biết đã đến nhà dừa nhiều lần, mỗi lần lại thấy địa điểm được trang hoàng những khung cảnh mới. “Đến nhà dừa, mình được tìm hiểu thêm về làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long”.

Hiện nay, công trình nhà dừa của vợ chồng ông Thưởng đã trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch tại Vĩnh Long. Du khách có thể đến tham quan ngôi nhà này để chiêm ngưỡng sự sáng tạo và nghệ thuật độc đáo của ông Thưởng và bà Giác. Đây là một ví dụ điển hình về tận dụng tài nguyên sẵn có của tự nhiên địa phương để xây dựng một công trình mang giá trị văn hóa và du lịch.

“Vừa qua, điểm du lịch được xét công nhận là nhà dừa Việt Nam, đủ tiêu chuẩn đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Từ đó, điểm tham quan sẽ tập trung phát triển nhiều không gian mới xứng tầm với danh đạt được”, ông Thưởng cho hay.

Ngọc Trà

Theo Chất lượng và cuộc sống