Đón 'sóng' tăng trưởng mới, tỉnh đông dân nhất Việt Nam trở thành 'cực' hút đầu tư BĐS với 'nhịp điệu' sôi động
Bất động sản tại tỉnh đông dân nhất Việt Nam hiện liên tục ghi nhận hiện tượng sốt nóng từ năm 2021 và trong năm 2024, thị trường hoạt động với nhịp điệu sôi động trở lại, trở thành thỏi nam châm hút đầu tư của một loạt các ông lớn trong ngành bất động sản.
Đứng top 3 cả nước về tăng trưởng kinh tế
Thời gian gần đây, Thanh Hóa trở thành “điểm sáng” về tốc độ tăng trưởng kinh tế, được đánh giá là vùng kinh tế phát triển bậc nhất miền Trung.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đứng đầu cả nước. Tỉnh đã thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, phát triển một khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và hơn 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 14.000ha, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đối với ngành công nghiệp không khói, Thanh Hóa đón 9,8 triệu lượt du khách trong 6 tháng đầu năm 2024 với tổng thu ngành du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2023 và vươn lên đứng top 5 cả nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 71 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 15 dự án FDI, tăng 91,9% về số dự án và 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội tại tỉnh này trong 6 tháng đầu năm đạt 48,8% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Hơn 1.600 doanh nghiệp đã được thành lập tại tỉnh trong 6 tháng đầu năm, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn, khẳng định: "Mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 của tỉnh là 11% trở lên, thì tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2024 phải đạt 10,6% trở lên. Trong 6 tháng cuối năm, Thanh Hóa phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt 20.275 tỷ đồng trở lên".
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, dự kiến thời gian tới sẽ có 36 dự án quy mô lớn kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2020-2025, gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nông nghiệp, y tế với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 5 tỷ USD.
Với dân số 3,72 triệu người (theo số liệu năm 2022), Thanh Hóa là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ đứng sau hai thành phố trực thuộc trung ương là TP. HCM và TP. Hà Nội.
Trở thành "thỏi nam châm" thu hút đầu tư của các "ông lớn"
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, những năm qua, Thanh Hóa đã thu hút loạt nhà đầu tư lớn như Vingroup, Taseco Land, Sungroup, Eurowindow, T&T, Flamingo, Văn Phú… triển khai hàng loạt các dự án bất động sản lớn.
Cùng với đó, những doanh nghiệp địa phương như Tổng công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung, HUD1, Công ty Minh Hương, Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy, Công ty Đông Bắc… cũng tham gia vào thị trường, làm cho làn sóng đầu tư bất động sản tại đây ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Sau giai đoạn khá im ắng, năm 2024, nhiều dự án bất động sản du lịch lớn ở Thanh Hóa đã đi vào hoạt động, khiến thị trường bất động sản nơi đây lại tiếp tục sôi động trở lại.
Cụ thể, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, Sungroup đã khánh thành Dự án Quảng trường biển - Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn, hiện thực hóa mục tiêu "du lịch 4 mùa" tại thành phố biển này.
Công viên nước Sun World với quy mô 33ha dọc hai bên bờ sông Đơ cũng đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2024. Tại khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, dự án Flamingo Ibiza Hải Tiến đã cơ bản đi vào hoạt động và khai thác du lịch từ tháng 5/2024.
Việc một loạt các dự án lớn được đưa vào sử dụng đã thúc đẩy du lịch Thanh Hóa tăng trưởng vượt bậc, kéo theo đó là sự quay trở lại của các nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm tốt "đón" chu kỳ tăng giá mới. Giá bất động sản tại đây vẫn giữ ngưỡng ổn định từ năm 2021 đến nay.
Theo khảo sát từ một số môi giới bất động sản tại TP. Thanh Hóa, hiện nay, nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến bất động sản quanh trục Đại lộ sông Mã nối từ trung tâm thành phố mới Thanh Hóa xuống khu vực Sầm Sơn. "Đón sóng" nhà đầu tư, nhiều dự án tại Thanh Hóa cũng thúc đẩy "chào hàng" mạnh mẽ.
Các dự án tiêu biểu
Tại trục Đại lộ sông Mã, phân khu cao tầng Princess’s Manor trong dự án Vinhomes Star City hiện có giá khoảng 45-50 triệu đồng/m². Các căn biệt thự và liền kề tại Vinhomes Star City cũng đang giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức giá 70 triệu đồng/m2.
Nằm đối diện Vinhomes Star City, phía mặt tiền Đại lộ Nam Sông Mã chuẩn bị mở rộng lên 67m là dự án Central Riverside do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Taseco Land làm chủ đầu tư.
Dự án này có 94 căn shophouse, 339 nhà phố và 60 căn biệt thự với giá đất từ 35 triệu đồng/m2.
Hiện Central Riverside đã được xây dựng hoàn thiện và sẵn sàng bàn giao cho khách hàng, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.
Cách Central Riverside khoảng 15km là dự án tổ hợp căn hộ cao tầng nghỉ dưỡng mặt biển The Pathway thuộc đại đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard ở Sầm Sơn, Thanh Hóa của Sun Property (thành viên Sun Group). The Pathway gồm các tòa tháp căn hộ cao 20 tầng, tọa lạc ngay vị trí mở đầu của trục cảnh quan lễ hội và quảng trường biển Sầm Sơn. Các căn hộ nghỉ dưỡng tại đây có mức giá trung bình khoảng 70 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự đổ bộ của các "ông lớn" trong ngành bất động sản, hạ tầng không ngừng được đẩy mạnh và hoàn thiện, kéo theo lượng khách du lịch gia tăng, thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ du lịch, thương mại và mặt bằng kinh doanh; đây chính là cơ sở để đất nền tại một số khu vực tại Thanh Hóa tiếp tục “nóng” lên như khu Trung tâm hành chính mới của tỉnh (khu vực Quảng Phú và Sầm Sơn).