Giá thuê mặt bằng “leo thang”, nhiều thương hiệu đình đám cũng phải “rút lui”
Giá thuê mặt bằng bán lẻ Hà Nội tăng 16% trong quý III/2024 trong khi đó, tại TP HCM, con số này đạt 229,2 USD/m2/tháng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh giá thuê “leo thang” nhiều thương hiệu đình đám cũng phải “rút lui” trả lại mặt bằng kinh doanh đã thuê.
Giá thuê mặt bằng “leo thang”
Theo thông tin từ CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội đạt gần 1,18 triệu m2 diện tích cho thuê. Về hoạt động thị trường, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm tại quý III/2024 đạt 172,7 USD/m2/tháng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ 0,2% so với quý trước. Giá thuê tiếp tục xu hướng tăng khi tỷ lệ trống tại khu vực này vẫn duy trì ở mức thấp chỉ 1,7%.
Trong khi đó, tại các khu vực ngoài trung tâm, tỷ lệ trống tăng 2,1 điểm phần trăm lên mức 12,1% so với quý trước do có nguồn cung mới và một số khách thuê trả mặt bằng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ trống khu vực ngoài trung tâm vẫn giảm 1,2 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, một số trung tâm thương mại hoạt động tốt đang tích cực đàm phán với khách thuê cho phần diện tích trống còn lại và dự kiến phần diện tích này sẽ lấp đầy trong các quý sắp tới.
Giá thuê tại các khu vực ngoài trung tâm của Hà Nội tính tới cuối quý III/2024 ghi nhận mức tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ và 3,4% so với quý trước, đạt 37 USD/m2/tháng, do một số trung tâm thương mại nằm ở vị trí thuận lợi có tỷ lệ lấp đầy tốt điều chỉnh tăng giá thuê.
Quý III/2024, thị trường ghi nhận sự mở rộng chủ yếu đến từ các ngành hàng F&B (Thực phẩm & Đồ uống) và Fashion & Cosmetic (Thời trang và Mỹ phẩm).
Cũng theo CBRE, trong năm 2025, dự kiến sẽ có thêm nhiều nguồn cung bán lẻ mới, chủ yếu nằm ở khu vực ngoài trung tâm thành phố, bao gồm Tiến Bộ Plaza ở quận Ba Đình, (với diện tích cho thuê 50.000 m2), Vincom Megamall Ocean City tại Hưng Yên (diện tích cho thuê 70.000 m2), ngoài ra khu vực trung tâm dự kiến bổ sung thêm nguồn cung từ Vinaconex Diamond ở quận Hai Bà Trưng (diện tích cho thuê 12.800 m2).
Giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhu cầu thuê mặt bằng vẫn khả quan kể từ năm 2022. Tới cuối năm 2024, giá thuê dự kiến sẽ tăng 11 - 12% ở các khu vực ngoài trung tâm và 17-18% ở khu vực trung tâm. Trong các năm tiếp theo, giá thuê dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng giá sẽ có xu hướng ổn định hơn so với năm 2024.
Còn tại TP HCM, theo báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam, trong quý III/2024, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP. HCM không có nguồn cung mới, tổng quan nguồn cung bán lẻ tại TP. HCM trong 9 tháng đầu năm có sự khởi sắc.
Cũng theo JLL Việt Nam, thị trường trung tâm thương mại trọng điểm tại TP. HCM ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 1.300 m2 trong quý III/2024, với 85% nhu cầu được đóng góp bởi khách thuê tại khu vực ngoài trung tâm.
Về giá thuê, thị trường Bán lẻ tại khu trung tâm tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn cung mới hạn chế và quỹ đất khan hiếm. Cụ thể, trong quý III/2024, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của trung tâm thương mại trọng điểm khu trung tâm tăng nhẹ lên mức 229,2 USD/m2/tháng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Giá chào thuê khu ngoài trung tâm đạt 58,3 USD/m2/tháng, với mức tăng 0,7% theo quý. So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê khu ngoài trung tâm ghi nhận mức giảm nhẹ 0,2% chủ yếu do sự ra mắt của nguồn cung mới vào cuối năm 2023 với giá thuê giai đoạn đầu hấp dẫn nhằm thu hút khách thuê.
Nhiều thương hiệu đình đám “rút lui”
Vừa qua, thương hiệu McDonald's vừa thông tin về việc đóng cửa chi nhánh Bến Thành tại địa chỉ số 2-2A Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM. Đây là một trong những cửa hàng đầu tiên của chuỗi thức ăn nhanh này tại Việt Nam.
Mặc dù McDonald’s không tiết lộ nguyên nhân đóng cửa chi nhánh đắc địa bậc nhất này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thương hiệu thức ăn nhanh đến từ Mỹ không kham nổi giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm TPHCM.
Trước đó, Starbucks cũng thông báo ngừng hoạt động cửa hàng Starbuck Reserve nằm ở vị trí đắc địa trên đường Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM từ ngày 26.8. Thực tế, ngay sau khi Starbucks Hàn Thuyên (Hà Nội) đóng cửa, giới cho thuê mặt bằng đã rao cho thuê vị trí này với giá 700 triệu đồng mỗi tháng.
Mới đây nhất, Burger King cũng thông báo về việc dừng hoạt động tại cơ sở Phạm Ngũ Lão (Quận 1, TP.HCM). Được biết, đến thời điểm đầu năm 2016, liên tiếp 4 cửa hàng của Burger King, bao gồm 2 cửa hàng ở TP.HCM, một cửa hàng ở Hà Nội và cửa hàng tại Đà Nẵng đồng loạt đóng cửa.
Việc các thương hiệu đình đám trên “rút lui” cũng là điều bình thường nếu nhìn vào giá thuê, khi giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm TP.HCM đang cao gấp 5 lần so với trung bình các khu vực khác của thành phố. Theo chuyên gia, giá thuê quá đắt đỏ này đã tạo nên một làn sóng dịch chuyển khỏi trung tâm của các thương hiệu chuỗi. Bên cạnh đó, sức mua giảm cũng khiến những mặt bằng này kém hấp dẫn hơn khi tiền thuê chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động của doanh nghiệp.