Động lực nào giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cất cánh
Giao dịch đóng bằng, nguồn cung mới ra thị trường nhỏ giọt, dư thừa nguồn cung cũ,… là vấn đề mà bất động sản nghỉ dưỡng đang phải đối mặt. Tới thời điểm hiện tại, trong khi các phân khúc bất động sản dần có tín hiệu phục hồi thị bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm, chưa tìm được lối ra.
Theo giới chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng là dòng sản phẩm có giá trị cao, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, không dễ gì nhà đầu tư xuống tiền lựa chọn phân khúc này. Trong thời gian tới, phân khúc này sẽ phục hồi nhưng sẽ là phân khúc phục hồi chậm nhất thị trường bất động sản.
Mau nở cũng sớm tàn
Giai đoạn 2015 - 2017, nhà đầu tư sốt sắng khi hàng nghìn dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được phát triển ồ ạt, tập trung ở nhiều địa phương có tiềm năng du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Nhiều siêu dự án du lịch, nghỉ dưỡng hàng hiệu, mang nét đặc trưng riêng của vùng miền cũng được các “ông lớn” bất động sản phát triển, với sự tham gia của các đơn vị nước ngoài có thương hiệu và uy tín toàn cầu.
Cũng vì lẽ đó, mà giai đoạn này, rất nhiều nhà đầu tư đổ dồn về phân khúc mới lạ mà sang trọng. Đặc biệt là các sản phẩm condotel mới mức hấp thụ trên thị trường rất tốt. Nhưng sớm nở rồi cũng chóng lụi tàn khi đến năm 2018, bất động sản nghỉ dưỡng đổi chiều suy giảm do có nhiều bất cập nội tại khiến nhà đầu tư e ngại như tính pháp lý của condotel, năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá..
Ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới tác động của dịch COVID-19 khiến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có dấu hiệu đóng băng và không có giao dịch cho tới hết năm 2021. Đầu năm 2022, dòng tiền dễ với lãi suất thấp được bơm vào thị trường, hướng vào hoạt động đầu cơ, kéo theo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc.
Cho đến khi, Nghị định 10 về việc cấp sổ hồng cho loại hình Condotel với mục đích giúp thị trường này “gượng” dậy sau “bão”. Nhưng dường như, chính sách chưa đủ “đô” để giúp thị trường này bật tăng trong ngắn hạn. Vì các dự án bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều vướng mắc về pháp lý, chưa thể gỡ bỏ ngay trong một sớm một chiều.
Kết quả sau một thời gian ồ ạt đầu tư phát triển là dư thừa nguồn cung, ghi nhận hàng chục nghìn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng “bơ vơ”. Nhà đầu tư vỡ mộng, bên cạnh đó, với lượng lớn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng xây dựng xong rồi bỏ trống, các nhà đầu tư đã xuống tiền mua những sản phẩm này đang “đứng ngồi không yên” khi bài toán đầu tư không mang lại lợi nhuận như mong muốn.
Động lực nào giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi?
Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là đang ở “dưới đáy”.
Ngoài những vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn tín dụng, vốn lưu động cũng đã hạn chế đổ vào các dự án nghỉ dưỡng nên phân khúc này trở nên ảm đạm. Phân khúc này chỉ được chú ý đến khi các địa phương chú trọng vào thu hút, kích cầu du lịch.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết trong bức tranh ảm đạm thì thị trường nghỉ dưỡng bất ngờ đón nhận điểm sáng khi từ cuối năm 2023. Xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường bất động sản và du lịch đã thúc đẩy chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ, nguồn cung vào thị trường.
Nhận định về động lực giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch VNREA chia sẻ, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang đón đầu mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, với dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực trực tiếp thúc đẩy BĐS du lịch nghỉ dưỡng khởi sắc trở lại.
Thứ 2 là sự nỗ lực của Chính phủ thông qua hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm condotel, resort villa.... Trong đó, về phía Bộ Xây dựng đã nghiên cứu ban hành sửa đổi bổ sung quy chuẩn tiêu chuẩn đối với condotel; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế quản lý, kinh doanh và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với loại hình này.
Hay như mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn 10829 gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú… theo đúng quy định.
Thêm vào đó, việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày là thông tin khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lên kế hoạch điểm đến Việt Nam không bị giới hạn về số lần nhập cảnh; hệ thống sân bay cả nước được nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới; mục tiêu hoàn thành gần 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030... là cơ sở, động lực để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục.
Mặt khác, các doanh nghiệp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sau thời gian tìm hướng đi đã cơ cấu lại định hướng phát triển phân khúc này phù hợp với thị trường, thay vì đơn thuần cung cấp sản phẩm condotel, các chủ đầu tư đã bắt đầu chuyển đổi công năng sản phẩm tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương, đặc trưng cộng đồng, thiên nhiên vào dự án danh cho du khách.
Ngoài ra, về lâu dài, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có biên độ rộng để phát triển, lượng cầu còn nhiều dư địa lớn trong tương lai trên cơ sở Việt Nam đang sở hữu vị trí thuận tiện, nhiều địa danh văn hóa lịch sử đa dạng, bờ biển dài, đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng du lịch ngày càng đồng bộ...