Dòng tiền lớn rời Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đón sóng ngoại
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance về chuyển động đáng chú ý của thị trường tài chính, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân tại Yuanta Việt Nam chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận những diễn biến tích cực, trong bối cảnh dòng vốn lớn bắt đầu rời khỏi Mỹ.
Những tín hiệu bất ổn với S&P500
Các tín hiệu mới nhất từ nền kinh tế số một thế giới cho thấy nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn bất ổn tiềm ẩn, cả về mặt chính sách lẫn tâm lý thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, các ngân hàng đã tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn tín dụng trong quý thứ hai liên tiếp. Đây được xem là một chỉ báo cảnh báo sớm cho khả năng điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, nhất là khi lịch sử cho thấy mối tương quan giữa hành động thắt chặt tín dụng và các đợt suy giảm chỉ số S&P500.

“Với các bất ổn về chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ, rủi ro tín dụng cũng có chiều hướng gia tăng và nhất là khi rủi ro lạm phát có thể sẽ dần phản ánh vào quý II/2025. Tuy nhiên, theo CMEgroup, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất 0,25% trong tháng 09/2025”, ông Minh chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, mọi quyết định của Fed sẽ còn phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.
Trong khi đó, bức tranh tài khóa tại Mỹ cũng không mấy sáng sủa. Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành một dự luật cho gói ngân sách mang tên One “Big Beautiful Bill Act”, hướng đến cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế cho doanh nghiệp tới hơn 5.000 tỷ USD, đồng thời giảm 880 tỷ USD chi tiêu cho các chương trình Medicaid và các ưu đãi thuế về năng lượng sạch dưới thời Biden. Tuy nhiên, dự luật này đã vấp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ.

“Nhiều đánh giá cho thấy, dự luật này có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng lên khi thời gian gần đây các giải pháp cắt giảm chi tiêu của chính quyền Trump chưa mang lại hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Minh lý giải.
Vị chuyên gia dẫn lại phân tích sơ bộ của Tax Foundation cho thấy, mặc dù dự luật One “Big Beautiful Bill Act” có thể tạo ra 794.000 việc làm và tăng GDP khoảng 0,6%, nhưng sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách từ 3.305 đến 4.077 tỷ USD trong 10 năm tới, tùy theo cách tính.

Đáng chú ý, Moody’s đã nhanh chóng hạ tín nhiệm tín dụng của Mỹ xuống mức AA1. Diễn biến này làm gia tăng lo ngại về thị trường trái phiếu Chính phủ cũng như thị trường cổ phiếu Mỹ.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm (dài hạn) so với 1 năm (ngắn hạn) vẫn ở mức dương. Điều này cho thấy rủi ro suy thoái hay khủng hoảng vẫn đang ở mức thấp”, ông Minh đánh giá.

Theo ông Minh, để cân bằng các áp lực đang gia tăng, chính quyền Trump đã nhanh chóng thúc đẩy đàm phán bằng cách phát đi cảnh báo rằng việc áp thuế có thể diễn ra trong vòng 2–3 tuần tới, thay vì chờ đến thời hạn ngày 8/7/2025.
“Như vậy, rủi ro chính sách đã quay trở lại, điều này sẽ khiến thị trường thận trọng hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi các chỉ số chứng khoán đã có nhịp tăng cao trong thời gian qua và các chỉ báo kỹ thuật đang bước vào vùng quá mua ngắn hạn. Điều thị trường sẽ chờ đợi trong 1-2 tuần tới là kết quả thuế quan và khả năng được thông qua gói chính sách của Chính quyền Trump”, ông Minh phân tích.
Khối ngoại mua ròng kỷ lục: TTCK Việt Nam lạc quan quá mức?
Trái ngược với bức tranh rối ren tại Mỹ, tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đón nhận một tín hiệu đầy tích cực: khối ngoại mua ròng hơn 2.881 tỷ đồng– mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.
“Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ lượng dòng vốn rút ròng ra khỏi thị trường Mỹ trong thời gian gần đây và rủi ro vĩ mô lên nền kinh tế Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khi chỉ số CDS đã giảm mạnh sau khi Mỹ hoãn thuế đối ứng. Như vậy, có thể thấy, đây cũng là lượng dòng tiền mới chứ không đơn thuần là dòng vốn Pnotes vì giá trị mua ròng được phân bổ ở nhiều nhóm cổ phiếu”, đại diện Yuanta Việt Nam đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán Mỹ ở mức cao và rủi ro kinh tế từ chính sách đang dần hiện hữu, dòng vốn sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường này và phân bổ sang các thị trường khác. Do đó, khối ngoại vẫn được kỳ vọng duy trì trạng thái mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam khi định giá của chỉ số VN-Index và rủi ro vĩ mô đều đang ở mức thấp, tương tự như cách mà dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển vào thị tường chứng khoán châu Âu. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nói thêm, dòng vốn này còn có thể chịu sự tác động từ các chính sách thuế quan.
Bên cạnh đó, trạng thái “lạc quan quá mức” của thị trường cũng là một yếu tố cần lưu ý. Ông Nguyễn Thế Minh chỉ ra rằng, chỉ báo tâm lý hiện cho thấy 71% cổ phiếu đang giao dịch trên đường trung bình 20 phiên.
“Các nhà đầu tư đang ở giai đoạn “lạc quan quá mức” và thường thị trường sẽ bước vào giai đoạn thận trọng sau đó”, ông Minh cảnh báo.

Thị trường chứng khoán là nơi đặt cược vào kỳ vọng, nhưng cũng là phép thử của sự tỉnh táo và kiên định. Trong bối cảnh hiện tại, khi dòng vốn quốc tế đang dồn dập đổ về và tâm lý thị trường nghiêng về phía lạc quan, những cơ hội đầu tư hấp dẫn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít rủi ro – đặc biệt nếu sự lạc quan thái quá. Có lẽ, đây là lúc nhà đầu tư cần giữ cho mình một cái đầu lạnh, để không bị cuốn vào những con sóng tưởng như thuận chiều.