Dòng tiền vẫn chực chờ đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng
Các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đã lên dây cót sẵn sàng cho cuộc đua mới trong dài hạn. Tuy nhiên, cơ hội hiện nay chỉ dành cho những dự án bài bản, đồng bộ và pháp lý rõ ràng.
Theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã suy giảm nặng nề từ cuối năm 2019. Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch và bất động sản nói chung, làm cho bất động sản nghỉ dưỡng càng thêm ảm đạm. Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại lâu nay liên quan đến pháp lý vẫn chưa được giải quyết cũng khiến thị trường chưa đủ niềm tin để quay trở lại thời kỳ phát triển thăng hoa như trước đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, từ quý cuối năm 2020 đến nay, một số dự án vẫn đang trong quá trình triển khai và sẵn sàng đưa ra thị trường.
Mặt khác, để khởi động đường đua mới trên thị trường nghỉ dưỡng năm 2021, các chủ đầu tư đang tăng tốc trên những vùng đất mới. Thay vì những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, các địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Phòng… đang được các ông lớn đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đang âm thầm gom quỹ đất chuẩn bị cho năm 2021 bứt phá mạnh mẽ tại hàng loạt vùng đất mới như Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa...
Các doanh nghiệp cho biết, khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn, với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư dài, thậm chí lên tới hàng chục năm nên thời điểm này các hoạt động triển khai phát triển dự án vẫn diễn ra. Thậm chí, họ còn phải tính toán các chính sách bán hàng để kích cầu.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, dòng tiền đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại khá thận trọng, không còn ồ ạt như trước đây. Nhưng thận trọng không có nghĩa là thị trường mất đi sức hút mà các nhà đầu tư vẫn đang chực chờ để rót vốn vào những dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch.
"Pháp lý là yếu tố tiên quyết để khách hàng quyết định mua sản phẩm cho dù tình huống thị trường diễn ra thế nào. Bên cạnh đó, dự án có tính khác biệt, độc đáo, khả thi thế nào để thu hút du khách và cư dân cũng là yếu tố nhà đầu tư quan tâm.
Bởi, một dự án đơn thuần chỉ có condotel, biệt thự biển, trong một khu resort có nhà hàng, spa… thì sẽ rất áp lực trong việc cạnh tranh. Thực tế đã chứng minh, những chủ đầu tư lớn với những dự án quy mô lớn, bài bản, đầy đủ, nhiều khác biệt hấp dẫn du lịch thường có sức hút và bán hàng hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia, tiềm lực tài chính và năng lực triển khai dự án, kèm theo năng lực vận hành khai thác và quản lý của chủ đầu tư rất quan trọng.
"Do tính chất đa dạng của sự phát triển, bất động sản nghỉ dưỡng có thể nằm trong một tổ hợp dự án đô thị biển có quy mô lớn hoặc nằm riêng lẻ. Đối với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng riêng, việc hợp tác cùng đơn vị quản lý vận hành có uy tín, tên tuổi trên thị trường quốc tế và Việt Nam được xem là một trong các bảo chứng quan trọng về chất lượng và hoạt động của dự án", ông Nguyễn Hoàng phân tích.
Ngoài ra, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, phát triển bất động sản gắn liền với trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và môi trường nay không chỉ là vấn đề vĩ mô, quản lý Nhà nước mà nó là xu hướng phát triển. Theo đó, dự án nào có bảo chứng về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là một giá trị cộng thêm.
Đánh giá về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2021, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có tiềm năng rất lớn. Sự trầm lắng của thị trường trong thời gian qua cũng đã dần loại bỏ những nhà đầu tư chộp giật, ngắn hạn, đầu tư lướt sóng để hướng đến sự đầu tư dài hạn, bền vững. Các chủ đầu tư muốn bán được hàng đòi hỏi phải có những dự án đồng bộ, đa dạng, đầy đủ tiện ích. Các dự án mở bán trên thị trường cũng đã qua giai đoạn thanh lọc.
Nhìn ở góc độc khác, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 3 lực đẩy cho sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng. Một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn. Hai là, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm 2020. Ba là, trong và sau dịch bệnh, xu hướng ngôi nhà thứ 2 second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn.
“Như vậy, đầu tư kênh này đòi hỏi trường vốn và mức độ kiên trì", ông Lực cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong các phân khúc nghỉ dưỡng, condotel còn nhiều tiềm năng phát triển vì đây là một mô hình khá tốt, giúp huy động được vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để có thể xây dựng các khu đô thị nghỉ dưỡng lớn thu hút khách. Nếu không có nguồn vốn này thì sẽ khó phát triển các đại đô thị All - in - one về du lịch nghỉ dưỡng. Chính phủ và các bộ ngành đang hoàn thiện pháp lý cho mô hình condotel.
Còn ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương bày tỏ tin tưởng vào khả năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam, tuy nhiên sẽ mất cả năm 2021 và thậm chí là hết năm 2022 mới có thể đạt được kết quả như năm 2019. Việc phát triển vắc xin và những thành tích đáng kể trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã đem đến hy vọng mới cho Việt Nam trong quá trình khôi phục thị trường nghỉ dưỡng, nhưng triển vọng phục hồi sẽ tập trung vào quý III và quý IV năm 2021, khi việc hạn chế đi lại có thể được nới lỏng và khách du lịch từ các vùng lân cận khôi phục hoạt động du lịch.
Đồng thời, ông Mauro Gasparotti chỉ ra rằng, hiện nay, du khách có xu hướng chú trọng các yếu tố trải nghiệm hơn là chỉ đơn thuần tìm kiếm một chỗ nghỉ qua đêm, một số các yếu tố như sức khỏe, cá nhân hóa sẽ ảnh hưởng tới lựa chọn của du khách. Vì thế, các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort) hay những khách sạn boutique chú trọng thiết kế và trải nghiệm được cho là sẽ có nhiều tiềm năng phát triển./.