Dòng tín dụng đang “chảy” mạnh vào bất động sản

9 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 2,4 triệu tỷ đồng “chảy” vào lĩnh vực bất động sản (BĐS), chiếm đến 21% tổng dư nợ tín dụng. Đây là mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm, phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế.

Dòng tín dụng đang “chảy” mạnh vào bất động sản - Ảnh 1

Đây là số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo gửi Quốc hội gần đây. Theo đó, tính tới thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong nhiều năm.

Thống đốc NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng trong giai đoạn này tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, còn tín dụng dành cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử, tín dụng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng tăng 7,4%; thương mại dịch vụ tăng 11,34% so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 9,26%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 10,54%; công nghiệp hỗ trợ tăng 11,6% so với cùng kỳ 2021.

Đối với lĩnh vực BĐS, tính đến hết tháng 8/2022, quy mô tín dụng chảy vào lĩnh vực này đã tăng xấp xỉ 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương 2,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn tín dụng dành cho hoạt động kinh doanh BĐS chỉ tăng 7,35%, thấp hơn đáng kể so với tín dụng dành cho BĐS tự sử dụng, tăng hơn 20%.

Trái ngược với BĐS, tín dụng dành cho đầu tư, kinh doanh chứng khoán lại giảm mạnh trên 35%, chỉ còn chiếm vỏn vẹn 0,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, tín dụng dành cho các dự án BOT, BT giao thông chỉ chiếm 0,88% tổng dư nợ, tương đương sụt giảm 1,72% so với giai đoạn cuối năm 2021.

NHNN cho biết đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ… Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

“Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động. Cụ thể tiếp tục giám sát chặt chẽ và có những báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng khi cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS phải đi đôi với việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.

“Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn”, NHNN nhấn mạnh. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết sẽ ưu tiên cung cấp vốn tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao phục vụ nhu cầu ở thực của người dân.

Ngoài ra, NHNN yêu cầu đối với các tổ chức tín dụng phải đảm bảo dòng vốn tín dụng phải đi vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, thanh khoản tốt, khách hàng mua nhà đảm bảo khả năng trả nợ đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người dân.

Theo Chất lượng và Cuộc sống