Dự án BT: Đổi đất nhưng bao giờ mới lấy được hạ tầng?

Hàng loạt dự án BT bị biến tướng thành “những giao dịch ngầm” gây thất thoát. Vậy tại sao không nghiệm thu hạ tầng trước rồi mới bàn giao phần đất quy đổi theo giá trị tương ứng?

Đất công bị thất thoát, bài toán hạ tầng bỏ ngỏ: Vì đâu nên nỗi?

Nhu cầu phát triển của thành phố ngày càng cao cả về quy mô và chất lượng trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, tuy nhiên, ngân sách nhà nước lại hạn hẹp. Do đó, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) được coi là giải pháp hữu hiệu, là phao cứu sinh để hoàn thiện và kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công viên, hồ nước. Thế nhưng hơn 10 năm đi vào thực tiễn, các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT lại gây ra những hệ lụy, gây thất thoát tài sản nhà nước. Còn bài toán xây dựng hạ tầng công cộng, lại đang bỏ ngỏ. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các vụ đổi đất lấy hạ tầng đều bị kiểm toán nhà nước chỉ ra sai phạm mà thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập. “Vật ngang giá” là quỹ đất đối ứng “không thực sự ngang giá” khi lợi ích từ việc ăn theo quy hoạch công viên, hồ nước là quá lớn…, sự thiếu minh bạch khi giá đất quy đổi bị hạ thấp, còn giá trị công trình bị đẩy cao đã tạo nên những khoảng trống pháp lý cần phải khắc phục để tránh tình trạng nhà nước thiệt đơn, nhà đầu tư lợi kép. Còn cộng đồng, xã hội vẫn phải mòn mỏi chờ đợi những “lá phổi xanh”, những hạ tầng công cộng chưa biết đến bao giờ sẽ thành hình?!

Để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện loại hình dự án theo hợp đồng BT, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Theo đó, cần thảo luận làm rõ một số vấn đề, trong đó có quy định: hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá không thông qua đấu giá; có nên đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất hay không...?

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều, bà Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII cho biết, cũng có những dự án BT đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của phía đặt hàng là Nhà nước. Tuy nhiên, phải nói rằng, đại đa số các dự án BT hiện nay đều vướng sai phạm, bộc lộ sự biến tướng gây thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước nên hiệu quả chưa thấy còn hệ lụy lại đang hiện hữu.

Theo bà An, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do thiếu minh bạch: “Cụm từ minh bạch không được quán triệt từ đầu đến cuối. Vì hầu hết các dự án BT hiện nay đều được trả một quỹ đất đối ứng có thể có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần so với “vật ngang giá” là hạ tầng công cộng mà nhà nước đặt hàng. Vì cơ chế tính giá đất chưa rõ ràng, minh bạch và công khai. Chưa có cơ chế để tính giá trị thực sự của mảnh đất đối ứng dẫn đến thất thoát rất nhiều. Cũng vì tính giá quá rẻ, không tương xứng với giá thị trường và giá trị thực của miếng đất nếu được đầu tư hạ tầng nên “chiếc bánh lợi ích” dành cho ai có được dự án BT là rất lớn, vì thế nên nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách để có được dự án, có thể bằng cách nào đó để được chỉ định thầu. Khi có được dự án rồi thì họ mải mê xây dựng nhà cửa trên miếng đất được đối ứng để kiếm lời trước, còn hạ tầng công cộng trả cho nhà nước thì dầm dề, liên tục chậm tiến độ…”

Bà An nhấn mạnh, giá đất đổi cho doanh nghiệp theo hợp đồng BT thì quá rẻ, còn giá công trình hạ tầng quy đổi thì lại quá đắt, thậm chí còn cho đội vốn nhiều lần, nên dẫn đến nhà nước bị thiệt rất lớn, còn nhà đầu tư thì lợi đơn lợi kép: “Cũng vì nhiều dự án không đấu thầu công khai, mà sử dụng hình thức chỉ định thầu không minh bạch nên nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính cũng như năng lực triển khai dự án “chui lọt lỗ kim”, “vớ” được “miếng bánh hời” nhưng không thể hoàn thiện hạ tầng theo đúng tiến độ để trả lại cho Nhà nước. Đó là những kẽ hở khiến cho dự án BT bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy và gây bức xúc trong dư luận”.

Phải nhìn thấy hạ tầng được hoàn thiện mới giao đất đối ứng

Theo ĐBQH Bùi Thị An, mặc dù thực tiễn triển khai có nhiều sự biến tướng nhưng không nên phủ nhận hoàn toàn hình thức hợp đồng BT, bởi về bản chất, đây là phương án tốt để huy động nguồn vốn xã hội hóa cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Tuy nhiên, bà An nhấn mạnh, muốn tiếp tục triển khai hình thức đầu tư này thì phải có những phương án giải quyết triệt để những bất cập đang tồn tại, để hạn chế một cách tối đa hệ lụy thất thoát nguồn lực đất đai, đồng thời phát huy hiệu quả của việc hoàn thiện và kết nối hạ tầng cho các thành phố, địa phương.

Theo đó, bà An để nghị: “Cần phải công khai “danh tính” các hạ tầng cần phải xây và công khai rõ ràng khu đất định đổi ở đâu với giá trị như thế nào, để người dân và các tổ chức có liên quan giám sát một cách chặt chẽ. Quỹ đất đối ứng bắt buộc phải xác định đúng giá trị theo giá thị trường và phải “ngang giá” với hạ tầng công cộng mà doanh nghiệp sẽ xây. 

Thứ hai, phải công khai, minh bạch việc đấu thầu, về thời gian, tiêu chí kết cấu hạ tầng, lượng vốn cần để đầu tư hạ tầng… Đồng thời phải công khai danh tính người tham gia đấu thầu, tiềm lực tài chính ra sao…Có như vậy mới hạn chế và thậm chí là triệt tiêu được những tiêu cực”.

Bà An nhấn mạnh: “Nếu không thể công khai, minh bạch mọi thứ thì không nên sử dụng tài sản công đặc biệt là đất đai để thanh toán cho hợp đồng BT. Thay vào đó, nên giao cho tổ chức phát triển quỹ đất, đấu giá đất lấy kinh phí để xây dựng hạ tầng công cộng". 

Dự án BT: Đổi đất nhưng bao giờ mới lấy được hạ tầng? - Ảnh 1

Về mặt luật pháp, bà An đề nghị phải có quy định rõ ràng và chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu, người sẽ phải chịu trách nhiệm nếu dự án BT xảy ra sai phạm: “Phải quy định rõ ai là người cấp phép, ai là người ký cuối cùng, nếu chỉ định thầu thì ai là người chỉ định, nếu đấu thầu thì ai là người chấm gói thầu đó. Như thế mới giám sát được và khi có vấn đề gì thì người đó phải đứng ra chịu trách nhiệm. Ví dụ như dự án chậm tiến độ, đội vốn hay nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thì người đã phê duyệt phải chịu trách nhiệm thậm chí phải bỏ tiền túi ra đền chứ không thể có chuyện cứ lấy ngân sách ra bù được. Nếu không làm quyết liệt thì đâu đó vẫn có lợi ích nhóm, đâu đó “chiếc bánh lợi ích” vẫn được chia phần, bỏ mặc lợi ích chung của Nhà nước, của người dân”.

Trên tất cả, để giải quyết triệt để các bất cập, bà An cho rằng, “Phải nghĩ đến giải pháp nhìn thấy hạ tầng được xây trước, sau khi nghiệm thu xong mới bàn giao quỹ đất đối ứng mới tránh được tình trạng chủ đầu tư vì nhìn thấy lợi ích quá lớn từ mảnh đất “vàng” mà “bỏ quên” việc xây dựng hạ tầng. Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, “nguồn lực đất đai của Nhà nước có hạn, đất không thể tự nở ra, trong khi hiện tại, chỗ thì bỏ hoang “đợi” hạ tầng, chỗ thì lại chi chít không còn chỗ xây. Nên nếu tiếp tục để tình trạng tham nhũng, trục lợi từ đất đai xảy ra thì hâụ quả sẽ khôn lường”.

“Cũng nhiều doanh nghiệp có tâm, có ý thức trách nhiệm với xã hội tức là họ ký cái gì họ làm cái ấy, họ tôn trọng những điều đã ký chứ không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Nhưng có nhiều doanh nghiệp chỉ “nhắm” vào “miếng đất vàng” “đất kim cương”, tranh thủ làm lợi cho mình thậm chí là bỏ quên tất cả hạ tầng phải xây. Nếu chúng ta cứ xử không nghiêm, không truy cứu trách nhiệm đến cùng thì sẽ tiếp tục lặp lại những sai phạm như vậy. Và vẫn phải chua chát hỏi rằng: Đổi đất nhưng bao giờ mới lấy được hạ tầng?", bà An đặt câu hỏi. 

Dự án BT: Đổi đất nhưng bao giờ mới lấy được hạ tầng? - Ảnh 2

Theo vị chuyên gia này, các dự án BT thực sự cần thiết trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế. Vấn đề là phải có quy định chặt chẽ về mặt pháp luật và sự giám sát, chịu trách nhiệm của chính quyền để các dự án được thực hiện hiệu quả, hạn chế một cách tối đa tình trạng trục lợi từ “mảnh đất màu mỡ” này:

“Vấn đề là ai được quyền đứng ra giao, ai được quyền đứng ra ký thì người đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu Chính phủ giao thì Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm, nếu thành phố giao cho các quận huyện thì thành phố giám sát nếu có vấn đề gì trục trặc đề nghị xử lý ngay, ngừng thậm chí là ngừng lâu dài đối với các doanh nghiệp làm không đúng. Còn nếu cứ để tình trạng “nhờn luật” xảy ra thì không thể phát triển bền vững, đi ngược lại với Chính phủ kiến tạo.

Bên cạnh đó, bà An khẳng định, khi ký hợp đồng BT, cần dự báo và tính toán được thời gian bàn giao và lượng vốn một cách chắc chắn và rõ ràng. Để tránh trường hợp cứ ký xong rồi lại phát sinh đội vốn, chậm tiến độ hoặc lấy lý do để kéo dài thời gian thực hiện.

“Thực tế có những dự án đội vốn lên cả 4 lần mà không ai chịu trách nhiệm, còn số tiền đội lên người ta dùng để xây hạ tầng hay để làm gì khác, làm lợi riêng thì cũng chưa chắc chắn. Không quy được trách nhiệm, không quản lý và giám sát nghiêm ngặt thì tiêu cực vẫn sẽ xảy ra”.

Theo Liên Liên/ Reatimes.vn

Tin liên quan