Dự án Hanoi Time Tower "đắp chiếu" hơn 10 năm, PVR muốn hoán đổi hợp đồng sang dự án MHD Trung Văn, khách hàng phản ứng bất ngờ
Sau gần 1 thập kỷ nằm “án binh bất động”, CĐT dự án Hanoi Time Tower đã có văn bản gửi khách hàng, theo đó, Công ty cổ phần MHD Hà Nội nhận chuyển đổi hợp đồng mua bán căn hộ của khách hàng tại dự án Hanoi Time Tower với điều kiện, khách hàng sẽ ký hợp đồng mua căn hộ tại chung cư tại dự án Tòa nhà MHD Trung Văn theo giá mà MHD đang bán trên thị trường. Động thái này của CĐT tại dự án Hanoi Time Tower đã khiến nhiều khách hàng đặt ra nghi vấn, Chủ đầu tư đang có toan tính gì?
Mới đây, ngày 13/8/2022, Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) đã có văn bản gửi đến khách hàng mua căn hộ tại dự án Hanoi Time Tower. Trong công văn gửi khách hàng, Công ty nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Công ty đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán được với CĐT dự án Tòa nhà căn hộ chung cư thuộc Dự án Tòa nhà MHD Trung Văn có địa chỉ tại: Lô HH, Khu đô thị Trung Văn, 29 Tố Hữu, phương Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội (MHD Hà Nội).
Theo đó, Công ty Cổ phần MHD Hà Nội đã đồng ý nhận chuyển đổi Hợp đồng mua bán căn hộ chung tại dự án Tòa nhà Hanoi Time Towers của Quý khách hàng đã ký với Công ty với điều kiện khách hàng sẽ ký Hợp đồng mua căn hộ chung cư tại Dự án Tòa nhà MHD Trung Văn theo giá mà Công ty cổ phần MHD Hà Nội đang bán trên thị trường.
Tại Văn bản, PVR Hà Nội giải thích, căn cứ vào tình hình thực tế, Dự án Tòa nhà Hanoi Time Towers chưa biết khi nào mới tái khởi động trở lại vì hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn như: Khách hàng không tiếp tục đóng tiền, Công ty không có kinh phí để triển khai tiếp tục thi công, nguồn vốn tự có của Công ty đã sử dụng hết vào Dự án để thi công hiện tại đã xây dến tầng 9. Đồng thời, UBND quận Hà Đông có văn bản đình chỉ hoạt động thi công xây dựng Dự án do có đơn khiếu kiện của một số nhà thầu thi công và khách hàng mua căn hộ tại Dự án.
Do đó, sau khi đàm phán thành công với MHD Hà Nội, PVR gửi thông báo với khách hàng có HĐMB căn hộ chung cư tại Dự án CT10-11 nếu có nhu cầu chuyển đổi căn hộ theo nội dung nêu trên thì liên hệ công ty để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục liên quan.
Như vậy, đối với khách hàng có HĐMB căn hộ tại dự án Hanoi Time Towers có thể chuyển đổi sang dự án của MHD Hà Nội, còn đối với Hợp đồng góp vốn thì không được chuyển. Động thái này đã khiến NĐT cá nhân và khách hàng mua căn hộ dấy lên nghi vấn, liệu CĐT PVR đang có toan tính gì? Có phải PVR đang từng bước loại bỏ lùm xùm quanh dự án, rũ bỏ khách hàng cũ để thay tên, đổi họ dự án Hanoi Time Towers thành một dự án hoàn toàn khác, dễ dàng bán căn hộ và huy động được nguồn tiền?
Được biết, dự án CT10-11 Văn Phú Hà Đông có tên thương mại là Hanoi Time Tower, dự án nằm trên khu đất rộng 7.023 m2, nằm tại vị trí đắc địa với 2 mặt tiền. Đây là dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn phòng - Căn hộ chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam làm Chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, dự án được phép xây dựng 39 tầng (trong đó có 2 tầng hầm) và được khởi công xây dựng từ quý II/2010, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2013 nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở tầng số 9. Như vậy, cho đến nay, dự án đã bị chậm tiến độ 10 năm.
PVR Hà Nội còn vướng nhiều vấn đề với các nhà thầu thi công, khi đôi bên không tìm được tiếng nói chung, khong giải quyết dứt điểm quyết toán các gói thầu dẫn đến việc gặp nhiều vấn đề trong thanh quyết toán. Còn đối với khách hàng, họ bức xúc vì tiền đã góp một phần, cả chục năm nay nhà không nhận được bởi công trình dừng thi công. Nhiều người quan ngại tình trạng này không biết đến khi nào, họ có thể có nguy cơ mất vốn, mất nhà.
Về lý do dự án bị chậm tiến độ, trong tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022, PVR cho biết, tại dự án CT10-11 Văn Phú – Hà Đồng, dự án chưa thể triển khai lại do một số nguyên nhân sau: Công ty chưa thể thu xếp được nguồn vốn, khách hàng không tiếp tục nộp tiền,… nên đến nay, dự án vẫn tạm dừng thi công.
Khách hàng không tin tưởng
Trước động thái này của CĐT, trên một số diễn đàn, group nhiều khách hàng tỏ ra không tin tưởng vào CĐT.
Một khách hàng tên H. nhận xét "mọi người cứ bình tĩnh, đây là một chiêu mới của chủ đầu tư, CĐT muốn làm sạch dự án văn phú để bán nên họ muốn chuyển nợ sang dự án khác. Và chúng ta lại bị giam vốn ở dự án Trung Văn".
Còn khách hàng khác tên H. cũng tỏ vẻ không tin vào CĐT, chị cho biết "cửa sáng không phải từ tâm CĐT, mà thị trường chung cư đang rất tốt nên mình nghĩ trước sau dự án cũng sẽ tái khởi động. Với nội dung như vậy, rõ ràng CĐT đang có tư tưởng "lùa gà" theo kiểu mua lại của NĐT cũ. Đây là một chiêu test thử khách hàng mà thôi. Rồi chủ đầu tư lại mua lại hợp đồng góp vốn của khách hàng với giá trị như trong hợp đồng là sẽ xoá ván cờ đi làm lại. Họ đẩy hết khách hàng cũ đi để mở bán lại."