Dự án Nhiệt điện Công Thanh: ‘Xem xét năng lực và kinh nghiệm nhà đầu tư’
Suốt 13 năm ròng rã, chủ đầu tư dự án nhiệt điện than Công Thanh không thể đưa dự án vào vận hành cho dù đó là khoảng thời gian “hoàng kim” của điện than. Giờ đây, nhà đầu tư này lại muốn chuyển sang làm điện khí.
Điểu chỉnh dự án nhiều lần
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 4/11/2010 và đến tháng 3/2011 bắt đầu khởi công xây dựng. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 600MW, bao gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300MW.
Thế nhưng, dự án gần như “đứng hình” sau nhiều năm cấp phép, bất kể cùng thời gian đó hàng loạt dự án nhiệt điện than đã được xây dựng và vận hành.
Năm 2018, dự án được điều chỉnh lần 2 vào ngày 5/6/2018 với tiến độ thực hiện: Thời gian hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và khởi công xây dựng nhà máy trong năm 2018; thời gian đưa nhà máy vào vận hành tin cậy tháng 11/2020; thời gian đưa vào vận hành thương mại tháng 12/2020.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Mặt bằng vẫn chỉ là bãi đất trống. Dự án mới cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt mặt bằng nhà máy chính đến cao độ thiết kế nhà máy chính, đã xây tường rào nhà máy chính và nhà điều hành của tổng thầu...
Điều bất ngờ là, suốt 13 năm ròng rã không thể triển khai được dự án điện than 600MW, nhưng chủ đầu tư nhiệt điện than Công Thanh lại đang muốn chuyển đổi dự án thành điện khí LNG với công suất lên tới 1.500MW, với tổng vốn đầu tư cũng tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD. Tức là gấp 2,5 lần về công suất và gần gấp đôi giá trị đầu tư.
Theo báo cáo của chủ đầu tư tại Công văn số 10/NĐCT-HĐQT ngày 29/8/2022, do không thu xếp được vốn để thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, chủ đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất Bộ Công Thương chuyển đổi dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh sang sử dụng LNG và thay đổi công suất thành 1.500MW.
Tiếp đó, ngày 11/7/2023, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Theo văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hoá xét thấy việc đề xuất chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG của Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là phù hợp với chiến lược phát triển nguồn năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu theo hướng bền vững; và đã có văn bản số 9651/UBND-CN ngày 4/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu, với công suất nhà máy 1.500MW.
Cụ thể, công suất nhà máy sau khi chuyển đổi nhiên liệu từ 600MW lên 1.500MW; vị trí nhà máy trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (vị trí hiện trạng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh); sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh lên 9,0 tỷ kWh; tổng diện tích sử dụng đất của dự án tăng từ 92,99ha lên 197,3ha; nhiên liệu chính chuyển đổi từ than sang khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ 1,2-1,5 triệu tấn/năm; công nghệ Tuabin khí chu trình hỗn hợp; cung cấp nước làm mát từ nước biển.
Phương án đấu nối dự kiến đấu nối về TBA 500kV Hưng Yên (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Hưng Yên phù hợp với tiến độ dự án); hoặc đấu nối về TBA 500 kV Nam Hà Nội (trong trường hợp tiến độ của TBA 500kV Nam Hà Nội phù hợp với tiến độ dự án); hoặc đấu nối về TBA 500kV Long Biên.
Tổng mức đầu tư tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2 tỷ USD; thời gian vận hành thương mại chuyển từ giai đoạn 2021-2025 sang năm 2028.
Dễ làm chưa được, khó liệu có đủ sức?
Đề xuất chuyển đổi dự án điện than sang điện khí LNG của Công Thanh cũng khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải bày hoài nghi.
Góp ý dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII ngày 4/8/2023, Bộ này chỉ rõ: Theo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương làm việc với các nhà đầu tư cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật, nên cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ đạo này.
Với đề xuất xem xét cho phép dự án này chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn đề nghị lưu ý năng lực của chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh vì chủ đầu tư khởi công dự án từ ngày 5/3/2011 nhưng không có tiến triển. Ngoài ra, việc chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng LNG cùng với việc nâng công suất từ 600MW lên 1.500MW (nếu được chấp thuận) đối với dự án đã có nhà đầu tư cần phải xem xét vấn đề năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư.
“Tránh trường hợp nhà đầu tư không thực hiện được dự án có quy mô nhỏ hơn mà không bị xem xét chấm dứt lại tiếp tục được thực hiện dự án có quy mô lớn hơn", nội dung văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại.
Đánh giá một cách sòng phẳng về những lợi thế của dự án này và những bất cập hiện nay, đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói thẳng “không khả thi”. Vị đại diện cũng cho rằng, đừng mong chờ một dự án chưa có kinh nghiệm, chưa có tiềm lực tạo đột phá trong cái khó khăn chung của lĩnh vực LNG hiện nay.
Theo các chuyên gia, dự án điện khí LNG còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Những nhà đầu tư có năng lực và tài chính cũng chưa chắc làm được dự án này do vướng nhiều vấn đề về đàm phán giá điện, bao tiêu sản lượng điện cùng nhiều đòi hỏi khác về kho, cảng, vận chuyển. Cho nên, nếu nhà đầu tư không có năng lực về tài chính và kinh nghiệm thì càng khó khăn để triển khai dự án.
“Bộ Công Thương cần đánh giá kỹ năng lực của chủ đầu tư nhiệt điện Công Thanh trước khi đề xuất cho phép hay không cho phép chuyển đổi dự án sang điện khí LNG. Nếu thấy nhà đầu tư không đủ năng lực thì nên đề xuất rút giấy phép và đưa dự án này ra khỏi quy hoạch, tránh lặp lại như với dự án điện than suốt 13 năm không thể triển khai”, một chuyên gia năng lượng chia sẻ.
>> Thanh Hoá: Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ nhiều năm liền
>> Xi măng Công Thanh: Thế chấp nhà đất, cổ phần của Chủ tịch HĐQT vay ngân hàng hơn 7.000 tỷ