Dự báo lợi nhuận quý 2 của nhiều ngân hàng tăng kỷ lục
Hoạt động ngân hàng năm 2021 được dự báo sẽ có không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên gần nửa năm qua đi, dường như những khó khăn ấy đã được các ngân hàng
Hoạt động ngân hàng năm 2021 được dự báo sẽ có không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên gần nửa năm qua đi, dường như những khó khăn ấy đã được các ngân hàng "hoá giải" khi kết quả kinh doanh bước đầu cho thấy vẫn xuất hiện những con số kỷ lục.
Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, với mức tăng dự báo là 27%, bất chấp dịch bệnh.
Còn theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9% của năm ngoái).
Trong quý đầu năm, có hơn chục ngân hàng ghi nhận lợi nhuận nghìn tỷ, trong đó Vietcombank và VietinBank dẫn đầu với mỗi ngân hàng lãi trên 8.000 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận của các ngân hàng công khai báo cáo tài chính (gần 30 ngân hàng) đạt trên 52.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần như MSB (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), Nam A Bank (gấp hơn 3 lần), SCB (gấp hơn 6 lần), thậm chí như Kienlongbank còn tăng trưởng gấp 12 lần cùng kỳ. Ngay cả các "ông lớn" tưởng chừng khó tăng trưởng mạnh như Vietcombank cũng đạt mức tăng tới hơn 65%, Techcombank tăng gần 77%, MB tăng gấp đôi, và cá biệt VietinBank tăng tới 2,7 lần.
Sang quý 2, lợi nhuận của các ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lạc quan. Cơ sở đầu tiên cho kỳ vọng này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng - nguồn thu chính của các ngân hàng. Số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (2,26%). Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới.
Trong khi tín dụng tăng tốt, các ngân hàng lại có được nguồn vốn đầu vào giá rẻ khi mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất thấp, chưa kể nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, hoặc các khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài, cũng sẽ là cơ hội để ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận hơn.
Ngoài ra, hoạt động dịch vụ, xử lý nợ xấu, thu hồi nợ... của các ngân hàng cũng được triển khai mạnh mẽ. Trong thời gian qua, một số ngân hàng thực hiện ký kết hợp tác bảo hiểm nhân thọ nhưng chưa ghi nhận vào lợi nhuận quý 1, một số khác tranh thủ thị trường chứng khoán thăng hoa, giá cổ phiếu lên cao mang bán cổ phiếu quỹ ra bán cũng sẽ thu về những khoản tiền không nhỏ. Giá bất động sản lên cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng bán đấu giá tài sản và thu hồi nợ...
Đến thời điểm hiện tại, đã có ngân hàng tiết lộ kết quả kinh doanh quý 2. Điển hình là MSB, trong thông báo mới đây về việc cổ phiếu MSB của ngân hàng được cấp margin từ ngày 24/6, lãnh đạo nhà băng này cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, trừ đi kết quả của quý 1 thì trong quý 2, nhà băng này có lãi tới hơn 1.650 tỷ đồng, là kỷ lục mới trong 1 quý của MSB. Và chỉ trong nửa đầu năm nay, MSB đã có lợi nhuận cao hơn so với cả năm 2020.
Techcombank là một trong những Ngân hàng TMCP có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 1/2021 khi lợi nhuận trước thuế tăng 79% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, TCB vẫn tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về tỷ lệ CASA ở mức 44,2% và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành ở mức 0,38%. Trong quý 2/2021, TCB được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, thuộc nhóm cao nhất ngành; Gia hạn hợp đồng Bancassurance giúp TCB thu một khoản phí ước tính khoảng 6.900 tỉ đồng và đồng thời tỷ lệ bao nợ xấu cao kỷ lục đạt 219%, tạo bộ đệm rủi ro tốt.
LienVietPostBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng khi cho biết lợi nhuận đã đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng. Nếu đà này được duy trì trong tháng 6 thì lợi nhuận của LienVietPostBank 6 tháng đầu năm sẽ khoảng 2.000 tỷ đồng - bằng 80% so với kết quả của cả năm 2020.
Tại VietinBank, sau quý 1 đạt lợi nhuận cao kỷ lục hơn 8.000 tỷ, ngân hàng này được giới phân tích kỳ vọng sẽ có những đột phá tiếp theo ở các quý tới. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tin rằng quý 2 VietinBank có thể lãi 6.250 tỷ đồng. Như vậy trong 6 tháng, ngân hàng này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao, song lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý 2/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm nay. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ACB dự kiến đạt 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng.
Ở các ngân hàng khác, nhiều lãnh đạo nhà băng không tiết lộ con số cụ thể nhưng đều lạc quan rằng trong quý 2 năm nay vẫn kinh doanh tích cực và "đi theo đúng kế hoạch đã đề ra". Dù đó là sự khiêm tốn của các ông chủ nhà băng lại cũng là một cơ sở nữa để tin tưởng mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên sắp tới sẽ có những con số kỷ lục mới được công bố.
Đương nhiên, thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng không đại diện cho sự hấp dẫn của cổ phiếu. Trong quý 1/2021, hầu hết cổ phiếu các ngân hàng trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận đều không tăng trưởng mạnh bằng nhóm ngân hàng nhỏ.
Cụ thể, trong quý, thị giá cổ phiếu VCB, BIDV lần lượt giảm 2% và 10%. Cổ phiếu TCB tăng 28,3%, VPB tăng 37,4%, CTG tăng 16,2%, MBB tăng 22,4%. Trong khi đó, giá nhiều cổ phiếu khác như NVB, SSB, SHB tăng 50-60%.
Dù vậy, chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán đều cho rằng, năm 2021, lợi nhuận của các ngân hàng rất khả quan và cổ phiếu vua vẫn sẽ là một trong những dòng cổ phiếu tiềm năng nhất thị trường trong năm nay.