Dự báo tăng trưởng phục hồi kinh tế mạnh mẽ 7%

Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo: Lạm phát, lãi suất và chứng khoán với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo bộ ngành.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang cho biết: Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề. Lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1% gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) - Ông Lê Long Giang phát biểu khai mạc hội thảo.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) - Ông Lê Long Giang phát biểu khai mạc hội thảo.

Dẫn số liệu thống kê tại Châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.

Trong nước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại … ) đều tăng, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo các chuyên gia, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, khiến giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 ngày càng gập ghềnh hơn và có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm cục bộ; dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,9% (so với mức tăng trưởng 6,1% năm trước); trong khi lạm phát bình quân toàn cầu dự báo tăng mạnh, ở mức khoảng 6,2% (so với mức 3,8% năm trước); rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tại nhiều nước trên thế giới ngày càng rõ nét.

Dự báo tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ 7%

Theo Chủ tịch VFCA cho biết: Thế giới bắt đầu phục hồi từ năm ngoái nhưng rất gập ghềnh, Việt Nam lại có độ trễ. Nhưng năm nay, Việt Nam đã phục hồi mạnh hơn so với thế giới, chúng tôi dự báo tăng trưởng 7% là khả thi. Năm tới, 2023 thì các dự báo đều cho rằng Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,5% - 7%, chúng tôi cho rằng đó là mục tiêu khả thi với điều kiện quan trọng là tình hình chiến sự Nga – Ukraine phải khác.

Một số lãnh đạo công ty tham dự hội thảo.
Một số lãnh đạo công ty tham dự hội thảo.

Hiện nay có ba tác động tới dự báo: thứ nhất là việc FED tăng lãi suất, thứ hai là giá năng lượng (chi phí đẩy tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng), thứ ba là chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Ba tác động lớn này đã khiến dự báo của kịch bản cơ sở giảm 3%, giảm một nửa so với dự báo ban đầu chủ yếu do giá xăng dầu.

Các rủi ro, thách thức chính trong năm 2022 là lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (vẫn trong tầm kiểm soát), giải ngân đầu tư công chậm, doanh nghiệp còn gặp khó, nhân sự khó khăn.

Cùng với đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều thách thức, nợ xấu tiềm ẩn còn tăng. Nếu như trước đó, một số khoản nợ không phải chuyển nhóm nợ thì bây giờ 1 phần sẽ phải chuyển nhóm. Đầu tư công có tăng nhưng vẫn ở mức độ chậm, đặc biệt nhu cầu đầu tư công năm nay rất lớn, tuy nhiên khả năng đạt kế hoạch đầu tư công cuối năm là khó khăn. Về chứng khoán, thị trường đã điều chỉnh rất mạnh, HoSE mất 20%, HNX mất 40%.

Những ngành nghề phục hồi chậm, tác động của Covid có độ trễ và ngấm hơn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nhà đầu tư đánh giá không tích cực.

Lạm phát sẽ quay về mức 2%

Theo dự toán ban đầu của Ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là khoảng cách rất xa (60 USD/thùng). Điều này đã làm thay đổi lớn cục diện ngân sách. Về nợ công toàn cầu, năm 2019 nợ công toàn cầu mới là 84% GDP, đến 2020 nhảy lên 89%. So với các nước mới nổi, Việt Nam vẫn ở mức an toàn.

Mỗi một lần tăng lãi suất có 4 rủi ro: rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ tăng, rút vốn khỏi thị trường mới nổi về Mỹ và châu Âu vì có vẻ an toàn hơn (rất may Việt Nam chưa bị dịch chuyển như thế mà thậm chí còn được mua ròng – nhà đầu tư nước ngoài), rủi ro địa chính trị có thể phá đi quy luật phía trên ở góc độ nào đó, rủi ro vỡ nợ.

Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Tỷ giá chịu áp lực tăng khá rõ (2,5 - 3% năm 2022). CPI tăng khoảng 3,8 - 4,2% (có thể cao hơn nữa) năm 2022 và 4% năm 2023.

Theo Chủ tịch VFCA cho biết: Nếu chúng ta để lãi suất cho vay tăng thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đi ngược với chương trình phục hồi. Còn lãi suất cho vay bằng USD chắc chắn tăng theo đà tăng của thế giới.

Dự báo cơ hội đối với chứng khoán, việc kinh tế phục hồi thì chứng khoán sẽ tốt lên. Đặc biệt là việc chu kỳ T+2 được triển khai, giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn cùng với việc doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá, tăng 20-24% là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.

Văn Trì

Theo Chất lượng và cuộc sống