Du lịch Đà Nẵng 'phá băng' để bứt phá
Với nhiều giải pháp song hành, du lịch Đà Nẵng sẽ “phá băng” do đại dịch Covid-19 và bứt phá vươn xa, xứng danh là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn
Những năm qua, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Tuy nhiên, 3 năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến du lịch Đà Nẵng gặp không ít khó khăn.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cho hay hoạt động du lịch rất nhạy cảm với biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Ngành du lịch thành phố đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, cạnh tranh điểm đến, chính sách thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng; xu hướng, tâm lý khách thay đổi và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là những thách thức cần có các giải pháp khắc phục và thích ứng.
Bên cạnh đó là khó khăn nguồn khách, nguồn vốn kinh doanh, tái đầu tư, khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực; cạn kiệt nguồn lực tài chính do thời gian dừng kinh doanh quá lâu và nhiều lần bị gián đoạn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển... xuống cấp, hư hỏng. Nguồn lực cho phát triển sản phẩm du lịch, tổ chức lễ hội sự kiện đặc sắc thu hút khách, truyền thông quảng bá điểm đến, xúc tiến khai thác thị trường, mở các đường bay quốc tế trực tiếp cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho rằng dù xác định phải thay đổi cơ cấu kinh tế của thành phố, tuy nhiên, du lịch dịch vụ vẫn là mũi nhọn quan trọng của Đà Nẵng, chiếm tỷ trọng đến 68% trong cơ cấu kinh tế thành phố.
“Cần phải đẩy mạnh việc bán những sản phẩm du lịch hiện có, thực hiện song hành việc phân tích, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng và quảng bá các sản phẩm du lịch tốt nhất của thành phố”, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói và cho biết thêm, thành phố sẽ có sự đầu tư thích đáng nguồn ngân sách thành phố cho du lịch và mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp để du lịch phát triển.
Theo đó, trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ đầu tư gần 400 tỷ đồng cho dự án Dòng sông ánh sáng trên sông Hàn. Giai đoạn 1 của dự án sẽ thực hiện các hạng mục từ cầu Thuận Phước tới cầu Tiên Sơn. Cùng với việc thay đổi cảnh quan sông Hàn, thành phố cũng đang nghiên cứu đầu tư hệ thống ánh sáng trên bán đảo Sơn Trà. Đồng thời thực hiện trùng tu các di tích lịch sử trên địa bàn trong năm nay, đặc biệt là đưa Bảo tàng Đà Nẵng sớm vào hoạt động phục vụ du khách.
Cũng trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Quan Thế âm, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, Liên hoan phim châu Á lần thứ 1… Đây là những cơ hội lớn để thành phố thu hút khách du lịch quay lại.
Kỳ vọng bứt phá
Một trong những sự kiện đặc sắc cho mùa du lịch Đà Nẵng năm nay là Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) – “tái xuất” sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh. Đây là lần thứ 11 DIFF được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong suốt hành trình đó, Lễ hội Pháo quốc tế DIFF đã trở thành sự kiện điểm nhấn, đưa thành phố sông Hàn trở thành tâm điểm lễ hội mỗi mùa hè.
Lễ hội là một trong những sự kiện văn hóa tạo nên thương hiệu riêng cho thành phố Đà Nẵng, đồng thời góp phần giúp thành phố hai lần được vinh danh “Điểm đến sự kiện – lễ hội hàng đầu châu Á”, tạo ra một hình ảnh Đà Nẵng năng động, một thành phố của lễ hội luôn chào đón du khách suốt bốn mùa. “Với sự tái xuất của DIFF 2023, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng bứt phá, đạt được những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục ở giai đoạn hậu dịch, đóng góp cho sự phục hồi chung của du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, đại diện Tập đoàn Sun Group (đơn vị tổ chức) cho hay.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, năm 2023, ngành du lịch đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm/dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn chất lượng cao. Thành phố cũng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông - xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị hiếu thị trường, đảm bảo an ninh, an toàn điểm đến. Phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh đề nghị các doanh nghiệp du lịch chủ động đầu tư nâng cấp, làm mới các sản phẩm, dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp để cạnh tranh thu hút khách, tăng hiệu quả kinh doanh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư các dự án tạo sản phẩm du lịch mới đặc sắc, khác biệt, sáng tạo phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm, định hướng không gian phát triển du lịch.
Trong đó, sử dụng tư duy đa chiều để nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở các nguồn tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa của vùng đất và con người Đà Nẵng. Ưu tiên các dòng sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, cao cấp, siêu sang, thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, giữ chân đội ngũ quản lý, nhân viên, người lao động đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách và thương hiệu chất lượng du lịch Đà Nẵng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng để du lịch thành phố phát triển bền vững và có những bứt phá cần cơ cấu lại nguồn khách theo hướng đa dạng để thu hút nhiều dòng khách đến Đà Nẵng. Chính quyền thành phố cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn để nhanh chóng làm phong phú hệ thống sản phẩm điểm đến, đặc biệt là tour ra biển, ra vịnh, quanh bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, tour đường sông, tour sinh thái rừng núi phía tây… Bên cạnh đó, địa phương cũng cần nhanh chóng triển khai và thu hút mới những dự án du lịch tầm cỡ, có sức lan tỏa, có khả năng làm thay đổi diện mạo của một khu vực. Đồng thời, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để xã hội hóa thu hút nhiều nguồn lực tham gia xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng vào những thị trường chính.