Đưa cổ phiếu lên sàn, Mộc Châu Milk đang có gì?
Doanh thu thuần tại Mộc Châu Milk luôn duy trì trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, từ khi về "một nhà" với Vinamilk, tình hình kinh doanh của Mộc Châu Milk đã có chuyển biến tích cực.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo chính thức đưa cổ phiếu CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vào giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 18/12. Mã chứng khoán được cấp là MCM và khối lượng đăng ký 66,8 triệu cổ phiếu.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá hơn 2.000 tỷ đồng. Với biên độ 40% trong phiên chào sàn, giá cổ phiếu sẽ biến động trong khoảng 18.000 – 42.000 đồng/cp.
Mộc Châu Milk đang có gì?
Mộc Châu Milk có bề dày lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, nhờ có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để nuôi bò sữa nên Mộc Châu Milk hiện sở hữu đàn bò sữa hơn 2.000 con tại trang trại và 24.500 con thông qua việc liên kết chặt chẽ với hơn 500 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa và có ba trung tâm giống bò sữa lớn.
Quy mô đàn bò của Mộc Châu Milk tăng trưởng trung bình 12 - 15 %/năm và năng suất bình quân đạt trên 25 lít sữa/con/ngày.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của Mộc Châu Milk luôn duy trì trên ngưỡng 2.000 tỷ đồng, đỉnh điểm năm 2019 lên trên 2.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp duy trì trong khoảng 19%.
Quý 3/2020, đánh dấu tròn 9 tháng Mộc Châu Milk về "một nhà" với Vinamilk, do đó, hiệu quả kinh doanh của công ty đã có những chuyển biến rõ rệt.
Trong quý 3/2020 Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu là 774,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 102,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 13,7% và 112,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 19,4% lên 34,6%
Trong kỳ, chi phí bán hàng tiếp tục tăng mạnh 97% lên 163 tỷ đồng, ngoài ra các hoạt động khác không có đột biến. Như vậy, trong kỳ mặc dù doanh thu tăng không quá lớn nhưng lợi nhuận tăng cao chủ yếu do hiệu quả kinh doanh cải thiện dẫn tới biên lợi nhuận gộp tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 2.142 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 209 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9,8% và 69% so với cùng kỳ.
Trong năm 2020, MCM đề ra mục tiêu tăng tổng đàn bò lên 28.680 con, mang về 2.905 tỷ đồng doanh thu và 157 tỷ đồng lãi sau thuế. Khép lại 3 quý đầu năm, MCM đã thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu và vượt 33% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.
Tính tới 30/09/2020, Mộc Châu Milk có tổng tài sản tăng 13% lên gần 1.212 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn gần 674,7 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng tài sản đây chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn; các khoản phải thu ngắn hạn gần 177,3 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản; tài sản cố định là 158,7 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng tài sản; hàng tồn kho giảm 47%, ghi nhận 139,2 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng tài sản.
Đặc biệt, Công ty không có vay nợ tài chính và có lợi nhuận chưa phân phối gần 220 tỷ trên vốn điều lệ 668 tỷ đồng.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc phát hành 43,2 triệu cp MCM để tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng. Cụ thể, MCM sẽ phát hành 3,34 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được quyền mua 5 cp mới).
Bên cạnh đó, Công ty sẽ phát hành hơn 39 triệu cp riêng lẻ cho VNM và GTNFoods với giá phát hành là 30,000 đồng/cp.
Mục đích của việc tăng vốn là để đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước, đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái và nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên quy mô 2.000 con.
SSI dự báo trong năm 2020, Mộc Châu Milk sẽ đạt 2.760 tỷ đồng doanh thu và 201 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng lần lượt 8% và 20,2% so cùng kỳ năm trước, tương ứng EPS là 3.003 đồng tại thời điểm trước tăng vốn. Tăng trưởng có thể đến từ việc tái cấu trúc mạng lưới phân phối Mộc Châu Milk và những thay đổi trong cơ cấu sản phẩm.
Về dài hạn, SSI cho rằng Mộc Châu Milk có thể tăng trưởng mạnh hơn ngành (tăng trưởng lợi nhuận ròng hai chữ số) trong những năm tới nhờ mở rộng công suất, tỷ suất lợi nhuận sản phẩm cao cấp cải thiện và cộng hưởng với Vinamilk, đặc biệt là về mặt phát triển thị trường.