Fed ra thông điệp cứng rắn, đà giảm lãi suất Việt Nam bị đảo chiều?
Trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn có dư địa để hạ lãi suất nhưng khó có mức giảm sâu.
Fed tăng lãi suất, NHNN duy trì ổn định
Giới đầu tư vẫn lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất mới vào cuộc họp chính sách sắp diễn ra.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 7-8/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo, cần phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế lạm phát.
Nhiều chuyên gia dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 21-22/3 tới.
Trước đó, hôm 2/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagard cho biết ngân hàng này dự kiến tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 16/3.
Đầu tháng 2/2023, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lên 4%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giới phân tích nhận định, làn sóng tăng lãi suất trên thế giới chưa dừng lại là do lạm phát vẫn căng thẳng.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho hay, lạm phát lõi (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu) của khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức kỷ lục 5,3% trong tháng 1. Lạm phát của Pháp cũng cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, nguyên nhân khiến Mỹ và nhiều quốc gia chưa thể hạ nhiệt lãi suất là bởi lạm phát trên thế giới đang tăng trở lại. Đây là lý do khiến mặt bằng lãi suất cao sẽ còn kéo dài, kỷ nguyên tiền đắt sẽ tiếp tục duy trì. Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ chưa thể hạ lãi suất trong năm nay. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu xảy ra, sẽ diễn ra vào năm sau.
Trong năm 2022, Fed đã thể hiện quyết tâm trong việc kiểm soát lạm phát với 7 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất từ mức 0-0,25% hồi đầu năm lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022. Sau cuộc họp vào ngày 1-2/2/2023, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, đưa lãi suất lên mức 4,5-4,75%, cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Fed tăng lãi suất để kìm chế lạm phát. Nhưng việc này lại có tác động không nhỏ đến kinh tế - tài chính Mỹ và trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Việc tăng lãi suất của Fed khiến đồng USD trở nên mạnh hơn. Chỉ số DXY trong năm 2022 đã tăng tới 8,2%, có thời điểm tăng 20% (tháng 10/2022).
Trước ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần tăng lãi suất vào các tháng 9 và 10 (mỗi đợt 1 điểm %). Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng tiến hành tăng lãi suất huy động kéo theo lãi suất cho vay tăng cao. Cuối năm ngoái, lãi suất huy động có thời điểm vọt lên 11-12%/năm. Lãi suất cho vay cũng tăng lên mức 15-16%/năm.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 2 năm nay, khi Fed tăng lãi suất thì NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành. NHNN còn yêu cầu các NHTM phải giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Các NHTM đã có 2 lần đồng thuận giảm lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất huy động 9,5%/năm không còn xuất hiện trên thị trường. Lãi suất cho vay cũng đã rục rịch giảm. Nhiều gói vay ưu đãi được triển khai giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn rẻ.
Giá USD cũng được kiểm soát. Hiện tỷ giá VND đang ở mức ổn định so với USD.
Lãi suất khó giảm sâu
Tuy nhiên, diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu cũng khiến NHNN thận trọng trong điều hành tiền tệ. Thông điệp điều hành đầu năm của NHNN cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm và còn diễn biến phức tạp. Xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tiếp tục, gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN. Theo đó, định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, mặc dù Fed và nhiều quốc gia tăng lãi suất nhưng tốc độ tăng đã giảm, mức nâng lãi suất của Fed trong năm nay sẽ không còn cao như năm 2022. Áp lực với tỷ giá và lãi suất trong nước vì thế cũng giảm hơn. Năm 2022, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, giúp NHNN có thể chủ động hơn trong điều hành tỷ giá, tạo điều kiện hạ lãi suất. Thanh khoản dồi dào và tỷ giá ổn định cho phép lãi suất giảm thêm. Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Nhờ đó, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I/2023 và trở về ổn định vào cuối quý II/2023.
Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng, năm 2023, NHNN có thể phải tiếp tục xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục. Theo các chuyên gia, lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh vào giữa năm 2023 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó và rất có thể lãi suất sẽ khó có bước giảm sâu.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và tỷ giá hối đoái sẽ kéo dài cho đến quý II/2023. Sau đó, áp lực này có thể giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập hơn. Vì thế, VNDirect cho rằng, NHNN có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, lãi suất trong nước giảm nhẹ là hợp lý, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát và lượng cung tiền cho nền kinh tế.