Fed tiếp tục tăng sức ép, xu hướng giảm lãi suất Việt Nam đảo chiều?
Fed tiếp tục tăng lãi suất nhưng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, để giảm lãi suất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Vậy đến khi nào thì NHNN hạ mặt bằng lãi suất?
Rạng sáng 2/2 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, lên 4,5 -4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Dù Fed vẫn để ngỏ khả năng về việc tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2% nhưng mức tăng 0,25 điểm % đánh dấu bước chuyển trong việc hạ tốc độ tăng lãi suất của cơ quan này.
Giới phân tích nhận định, mặc dù áp lực từ Fed đang có xu hướng giảm dần nhưng để đối phó với vấn đề tỷ giá và kiềm chế lạm phát, NHNN vẫn còn phải rất vất vả để duy trì mức lãi suất hiện tại và xa hơn là hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp trong khoảng giữa năm 2023 khi Fed đảo chiều.
Ngoài ra, thị trường trong nước còn tồn tại một số vấn đề như thanh khoản của hệ thống ngân hàng và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết cũng như thị trường chứng khoán, bất động sản còn gặp khó khăn càng gây sức ép lên tín dụng. Vì vậy, thách thức trong điều hành lãi suất của NHNN là rất lớn.
Theo một số chuyên gia, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì mức cao như hiện nay thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư và sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi với tiền gửi và tiết kiệm. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Trong khi những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm, thanh khoản chủ yếu dựa trên tín dụng ngân hàng thì cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo thanh khoản, có tác động lan toả đến nhiều ngành và lĩnh vực liên quan.
Ngoài ra, NHNN cũng cần kiểm soát nhằm tiếp tục giảm cuộc đua lãi suất huy động đã diễn ra từ cuối 2022 đưa lãi suất về gần với lãi suất điều hành, tức là lãi suất huy động cao chỉ diễn ra cục bộ và dừng lại ở một số ngân hàng nhỏ.
Chia sẻ tại một diễn đàn diễn ra giữa tháng 1, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, mục tiêu xuyên suốt của NHNN trong năm 2023 là phải giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát lạm phát. Từ mục tiêu đó, NHNN cũng sẽ phải duy trì sự hoạt động ổn định, lành mạnh của ngành ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, đến tháng 5, khi Fed dừng tăng lãi suất sẽ là cơ hội để NHNN giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi.
Ghi nhận của FiinGroup cho thấy tỷ giá VND/USD đã mạnh lên khoảng +5% kể từ đầu tháng 12/2022, đồng thuận với các đồng tiền trong khu vực do Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và Trung Quốc mở cửa trở lại. Hai lần tăng lãi suất +100 điểm cơ bản liên tiếp của NHNN vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái do sự suy yếu của VND và các rủi ro lạm phát đi kèm.
Theo FiinGroup, NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi trước khi thực hiện các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro rằng Fed có thể tiếp tục quan điểm diều hâu với tốc độ tăng lãi suất hoặc lạm phát có thể vẫn tăng trên ngưỡng +4,5% trong một thời gian dài do Trung Quốc mở cửa trở lại.
FiinGroup dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất +50 điểm cơ bản vào năm 2023, mặc dù khả năng tăng đã chậm lại hơn. FiinGroup cũng cho rằng tỷ giá VND/USD sẽ đạt 22.900 đồng/USD vào cuối năm 2023.