FLC: Kinh doanh dưới giá vốn, quý III lỗ 787 tỷ, lũy kế 9 tháng lỗ 1.888 tỷ
Tình hình kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vô cùng bết bát với lợi nhuận gộp âm, chi phí tăng vọt, lỗ lớn trong các công ty liên doanh, liên kết…
Theo báo cáo hợp nhất của FLC, quý III/2022, doanh thu thuần đạt 429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 96 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 144 tỷ đồng).
Trong quý, doanh thu tài chính giảm 93%, đạt 18 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 59% (105 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 2,5 lần (267 tỷ đồng). FLC lại chịu lỗ trong công ty liên doanh, liên kết 318 tỷ đồng (tăng 64%) cùng khoản lỗ khác 11 tỷ đồng.
Tất cả đã khiến công ty lỗ trước thuế 787 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của FLC đạt 2.090 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lỗ gộp 6,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 103 tỷ đồng).
Doanh thu tài chính 9 tháng chỉ đạt 241 tỷ đồng (giảm 76%, do không còn nguồn thu thanh lý các khoản đầu tư), trong khi chi phí tài chính tăng 30%, đạt 416 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng vọt 62%, đạt 717 tỷ đồng.
Đáng chú ý, FLC lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 900 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ. Đây là cú đấm cực mạnh khiến công ty lỗ trước thuế 9 tháng tới 1.888 tỷ đồng.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của FLC đạt 36.216 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có một số điểm đáng chú ý. Cụ thể, FLC đầu tư 174 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh nhưng đã lỗ tới 148 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 16% so với đầu năm, lên 15.720 tỷ đồng; trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 278 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần.
Hàng tồn kho giảm 11% xuống 1.922 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn lại tăng 20% lên 8.712 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2022, nợ phải trả của FLC đạt 28.271 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cơ cấu nợ đáng chú ý ở điểm nợ vay đã giảm 19%, còn 5.015 tỷ đồng; trong đó vay ngắn hạn 3.193 tỷ đồng, tăng 57%, vay dài hạn 1.822 tỷ đồng, giảm 56%
Với vốn chủ sở hữu 7.944 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của FLC là 3,55 lần.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 9 tháng của FLC dương 3.793 tỷ đồng, do tăng các khoản phải trả (5.276 tỷ đồng) và giảm hàng tồn kho (236 tỷ đồng), trong khi các khoản phải thu tăng mạnh (1.008 tỷ đồng).
Dòng tiền đầu tư âm 2.531 tỷ đồng, do tăng chi mua sắm tài sản (1.499 tỷ đồng). chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (1.718 tỷ đồng).
Dòng tiền vay/trả có suy giảm, song vẫn rất lớn, đạt 3.410 tỷ đồng/4.583 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 2,2 lần cùng kỳ.
Dòng tiền thuần 9 tháng dương 73 tỷ đồng, giúp tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt 249 tỷ đồng, tăng 41%.