Foxconn muốn thuê mua nhà ở xã hội: Lo biến tướng
Luật Nhà ở 2014 mới cho phép cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mua nhà ở riêng lẻ, chưa quy định được phép mua nhà ở xã hội.
Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho phép các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân ở tại 3 dự án nhà ở xã hội, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ở của công nhân đang làm việc cho tập đoàn.
Ba dự án nhà ở xã hội do các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Foxconn đang triển khai, gồm: Dự án công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town với quy mô 9,9ha gần KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội Vân Trung (Bắc Giang) quy mô 16,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội Golden Park gần KCN Quế Võ (Bắc Ninh) có quy mô 6,3ha, tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng.
Về vấn đề này, chia sẻ quan điểm với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Quang Học (Khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp) cho biết, theo Luật Nhà ở năm 2014, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chỉ được phép mua nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam, nhưng phải trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực đảm bảo an ninh quốc phòng.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;
Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định: tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 có quy định 9 đối tượng được mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng được đủ các điều kiện, trong đó không có đối tượng nào là người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Học, nếu cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thuê mua nhà ở xã hội thì rất dễ biến tướng:
"Doanh nghiệp đứng ra đại diện cho người lao động đứng ra thuê mua nhà ở xã hội. Sau khi công nhân vào ở, một thời gian sau họ không ở nữa, doanh nghiệp đứng tên trong hợp đồng, thì họ đương nhiên thành chủ của nhà ở xã hội đó.
Họ cho công nhân hay bất kỳ ai khác thuê, mua đều rất khó kiểm soát được. Thậm chí, giả sử công nhân bị cho thôi việc, doanh nghiệp không cho ở nhà ở xã hội đó nữa, lúc đó công nhân biết tìm ai để kêu khi doanh nghiệp đã thành chủ nhà?", PGS.TS Nguyễn Quang Học đặt câu hỏi.
Cũng theo vị chuyên gia, nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước như thuế đất, lãi suất cho vay…, nếu cho người nước ngoài hay doanh nghiệp nước ngoài mua sẽ không công bằng cho những người lao động có thu nhập thấp ở Việt Nam.
Chưa kể, nếu cho doanh nghiệp được thuê mua có thể dẫn đến những tiêu cực, như bán lại hoặc cho thuê lại với giá chênh lệch.
Ông chỉ rõ, trên thực tế, khi người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp mua nhà ở xã hội, ngoài việc cấp Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở của người đó, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tài chính cho người lao động mà không cần phải đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho người lao động.
"Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên đất nước Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Quang Học nói.
Trong khi đó, trả lời trên báo Lao động về đề xuất của Tập đoàn Foxconn, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, vẫn chưa nhận được văn bản nêu trên của Tập đoàn Foxconn. Tuy nhiên, theo ông Ninh, luật chưa có nếu muốn được cho phép thì phải sửa luật.
“Trong luật chỉ cho phép bán cho hộ gia đình, cá nhân chứ không bán cho tổ chức”, ông Ninh nói thêm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp. Trong đó, có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha.
Hiện, đã có 248 dự án hoàn thành với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 sàn, quy mô khoảng 103.500 căn hộ; 264 dự án đang triển khai (10.825.000m2 sàn xây dựng, 216.500 căn hộ). Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 sàn nhà ở), việc phát triển nhà ở xã hội đến nay mới đạt khoảng 41,4%.
Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt
Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/foxconn-muon-thue-mua-nha-o-xa-hoi-lo-bien-tuong-3411099/