Gần 7.600 tỷ đồng bảo trì đường bộ năm 2022

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2022, nguồn kinh phí bảo trì đường bộ là gần 7.600 tỷ đồng dành cho xử lý điểm đen gây mất an toàn giao thông; sửa chữa cầu yếu, hư hỏng, xuống cấp…

Trong năm 2021, kế hoạch bảo trì đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt cho các công việc, danh mục có tổng kinh phí cần thiết thực hiện là hơn 11.760 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng cục Đường bộ xử lý 242 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; sửa chữa 135 cầu yếu, cầu có hư hỏng, xuống cấp; gia cố 246 km quốc lộ từ 3,5 m lên 5,5 m để các phương tiện giao thông có thể tránh, vượt nhau; thảm bê tông nhựa 401 km đường đang láng nhựa, áp dụng công nghệ tái sinh nguội và công nghệ khác tại các dự án với tổng giá trị khoảng hơn 1.115 tỷ đồng.

Danh mục đề nghị ưu tiên sửa chữa năm 2022 được Tổng cục Đường bộ đưa ra tương đương như dự toán chi cho các dự án sửa chữa của năm nay.

Hiện Tổng cục Đường bộ đang tiếp tục trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì với kinh phí 1.976,45 tỷ đồng để sửa chữa quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, một số công việc đột xuất khác đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương.

Với kế hoạch đã giao và kế hoạch dự kiến nêu trên, kế hoạch bảo trì dự kiến là hơn 13.737 tỷ đồng.

Năm 2022, nguồn kinh phí bảo trì đường bộ là gần 7.600 tỷ đồng.  
Năm 2022, nguồn kinh phí bảo trì đường bộ là gần 7.600 tỷ đồng.  

Về dự toán ngân sách Trung ương giao năm nay để chi cho công tác quản lý bảo trì là 9.986 tỷ đồng; hơn 866 tỷ đồng chi công tác sửa chữa đột xuất và hơn 167 tỷ đồng chi các nhiệm vụ khác.

Cơ cấu gồm hơn 1.281 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác phà, cầu phao và vận hành công trình khác; hơn 7.760 tỷ đồng sửa chữa định kỳ (gồm cả chi trả các dự án chuyển tiếp từ 2020).

Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Đường bộ đã lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước để triển khai các nhiệm vụ chi phù hợp yêu cầu công việc, tiến độ và tình hình thực hiện.

Trước đó, đối với các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý phải kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên của các nhà đầu tư BOT. Trường hợp chất lượng kém, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng thu phí theo quy định.

Đối với các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý và khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức bảo dưỡng thường xuyên, vận hành và sửa chữa kịp thời các hư hỏng nếu có tại tuyến đường cao tốc, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. VEC phối hợp và báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề cần thiết, nhất là vốn, nguồn lực để bảo trì.

Liên quan đến sửa chữa đường bộ, Tổng cục Đường bộ yêu cầu khẩn trương thực hiện các dự án sửa chữa đã đủ điều kiện pháp lý. Kiên quyết không để chậm tiến độ hoặc đã bàn giao mặt bằng nhưng không thi công hoặc thi công cầm chừng dẫn đến mất an toàn giao thông.

Thiên An

Theo DNVN