‘Gemadept kỳ vọng sản lượng hàng hóa tăng trưởng mạnh trong quý II nhờ hiện tượng frontloading’
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Phụ trách Quan hệ Nhà đầu tư của Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) trong cuộc trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance về triển vọng của doanh nghiệp này nói riêng, ngành cảng biển Việt Nam nói chung trước tác động của “cuộc chiến thuế quan”.
Phản ứng linh hoạt trước tác động thuế quan
- Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của “cuộc chiến” thuế quan do chính quyền Mỹ phát động. Là doanh nghiệp hàng đầu về cảng biển và logistics của Việt Nam, trong thời gian qua, Gemadept đã bị tác động như thế nào?
Nếu bị áp thuế với thuế suất lên tới 46%, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, do các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam và Mỹ đang trong quá trình đàm phán, song ảnh hưởng của thuế quan đã thể hiện khá rõ nét đối với nhiều lĩnh vực như: thủy sản, dệt may, đồ gỗ, logistics và cảng biển. Trong đó, các hãng tàu, hãng hàng không, công ty logistics đang phải thiết lập lại chuỗi cung ứng, tuyến vận chuyển; các nhà sản xuất phải đa dạng hoá, tìm kiếm thị trường thay thế.
Chính phủ Việt Nam đã bình tĩnh, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó với chính sách thuế quan mới, bước đầu có kết quả tích cực.
Trong nguy vẫn có cơ, tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia nhìn nhận kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong quý II/2025 sẽ vẫn tăng trưởng mạnh nhờ hiện tượng "frontloading" tiếp diễn khi các doanh nghiệp tranh thủ thời gian chưa áp thuế để đẩy mạnh xuất hàng vào Mỹ.
Trong trung hạn, Việt Nam vẫn có những lợi thế riêng cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để tập trung mở rộng, tìm thị trường mới thay thế như các khu vực EU, nội Á. Đặc biệt, Việt Nam có thể là điểm đến của các container rỗng sau đàm phán để chờ tín hiệu phục hồi của thị trường.
Với Gemadept, dù có lo lắng nhất định nhưng với bối cảnh như trên, chúng tôi vẫn đang kiên định với mục tiêu kế hoạch kinh doanh khi không điều chỉnh giảm sản lượng năm 2025 đã xây dựng. Trong năm 2025, kế hoạch sản lượng khai thác tại cảng Nam Đình Vũ dự kiến 1,35 triệu TEU (công suất cảng sẽ tăng thêm 50% so với công suất hiện tại, lên 2 triệu TEU vào cuối năm 2025 khi giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác). Sản lượng dự kiến tại cảng Gemalink là 1,7 - 1,8 triệu TEU.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, sản lượng hàng đi Mỹ tại cảng Nam Đình Vũ chỉ chiếm 10%, tại cảng Gemalink chỉ chiếm 20% - 25%, do vậy tác động của thuế quan, dù trở thành hiện thực, cũng là không quá lớn với Gemadept.

- Gemadept là doanh nghiệp luôn “cài đặt” sẵn chế độ chống suy thoái, chống khủng hoảng. Vậy trong thời gian qua, công ty đã kích hoạt chế độ này ra sao và hiệu quả đạt được như thế nào?
Trước bối cảnh thị trường nhiều biến động và cơ hội đan xen, Gemadept triển khai chiến lược thích ứng và phát triển dựa trên 3 trụ cột chính.
Một là chủ động ứng phó và quản trị rủi ro. Gemadept đã bắt đầu xây dựng các kế hoạch phòng chống và ứng phó với biến động thị trường từ năm 2023. Công ty chủ động phân tích và xây dựng các kịch bản kinh doanh khác nhau để có phương án hành động linh hoạt trước các diễn biến khó lường của thị trường, đặc biệt là các chính sách thuế quan.
Hai là đa dạng hóa mạnh mẽ và tập trung chiến lược. Gemadept chủ động điều chỉnh cơ cấu tuyến dịch vụ, đa dạng hóa thị trường, tích cực tiếp cận các tuyến hàng, nguồn hàng ít bị ảnh hưởng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Công ty xác định nội Á là thị trường chiến lược trọng tâm với tiềm năng tăng trưởng lớn và ổn định hơn, tăng cường đầu tư và phát triển dịch vụ chuyên biệt cho khu vực này (đặc biệt qua cảng Nam Đình Vũ). Song song với đó, công ty thu hút thêm các tuyến đi châu Âu, châu Phi, Canada, Brazil... để đa dạng hóa nguồn hàng và đối tác.
Ba là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị đem đến cho các khách hàng, đối tác. Không chỉ tăng trưởng về sản lượng, Công ty đặc biệt chú trọng việc tăng doanh thu trên mỗi container (DT/TEU) thông qua việc phát huy tối đa lợi thế hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics độc đáo để cung cấp các dịch vụ chuỗi giá trị gia tăng (từ các dịch vụ trong cảng đến các dịch vụ logistics toàn diện trên 6 lĩnh vực), cung cấp giải pháp one-stop-shop cho khách hàng. Mục tiêu của Gemadept là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động thông qua việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao, giải pháp logistics hiệu quả, tối ưu chi phí...
Cụm cảng Nam Đình Vũ sẽ gia tăng hơn 50% công suất trong năm 2025
- Gemadept đã thông tin rằng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 sẽ đi vào hoạt động ngay cuối năm 2025. Công ty có thể chia sẻ cụ thể hơn về tiến độ dự án hiện nay? Khi đi vào hoạt động, toàn Nam Đình Vũ sẽ đóng góp như thế nào cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của Gemadept?
Đối với Nam Đình Vũ giai đoạn 3, dự án đang được thi công theo đúng kế hoạch và chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào tháng 10/2025. Điều này sẽ giúp nâng tổng công suất của Nam Đình Vũ lên hơn 2 triệu TEU, tăng thêm hơn 50% so với công suất hiện hữu.
Cụm cảng Nam Đình Vũ là một trong những dự án cảng trọng điểm của Tập đoàn Gemadept. Nam Đình Vũ không chỉ nổi bật với vị trí đắc địa nhất, quy mô lớn mà còn bởi năng lực tiếp nhận được cỡ tàu lớn nhất khu vực Đình Vũ. Cảng sở hữu vị trí thuận lợi, tọa lạc trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ - đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc (ngay cửa sông Bạch Đằng với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng), Cảng Nam Đình Vũ là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.
Tọa lạc trên diện tích 65 ha, sở hữu 7 cầu bến kéo dài 1,5 km và năng lực tiếp nhận cỡ tàu container lên đến 50.000DWT, khi hoàn thiện, cụm cảng Nam Đình Vũ là cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Thời gian qua, với những lợi thế của cụm cảng Nam Đình Vũ và Kênh Hà Nam đã được nâng cấp, cảng đã thành công thu hút thêm các tuyến dịch vụ mới và sự ủng hộ tốt của các hãng tàu đối tác, tạo tiền đề thuận lợi cho giai đoạn 3 sắp đi vào hoạt động.
Xây cảng dễ, vận hành cảng mới khó
- Việc thoái vốn tại Gemalink được đề ra từ khá lâu song tới nay vẫn chưa thực hiện. Công ty có thể giải thích rõ hơn về việc này?
Mục tiêu của hai bên trong liên doanh là tìm kiếm một đối tác hãng tàu hàng đầu với nguồn hàng tốt, tối ưu năng lực khai thác của Gemalink, mang lại hiệu quả lớn nhất không chỉ cho Gemalink và cho cả hệ sinh thái của Gemadept và mở ra các cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Hiện nay chúng tôi vẫn đang làm việc với một số đối tác tiềm năng.
- Liên quan đến phát triển cảng, liên danh Gemadept và SSA đã đề xuất làm dự án cảng Cái Mép Hạ. Việc này tới nay có kết quả ra sao? Công ty có lo ngại về việc cuộc “đua tranh” dự án này
Đây là dự án lớn, hiện có 7-8 doanh nghiệp trong và ngoài nước mong muốn tham gia đầu tư. Công ty tiếp tục cùng với đối tác "liên danh giữa GMD-SSA" nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong ngành cảng biển, việc xây dựng cảng là bước khởi đầu, nhưng vận hành cảng sao cho hiệu quả đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực, mạng lưới vệ tinh kết nối và sự ủng hộ của các khách hàng, đối tác.
Cảng biển không chỉ là một dự án, mà còn là tài nguyên quốc gia, xây dựng và vận hành cảng biển đạt hiệu quả cao nhất là góp phần giúp kinh tế quốc gia hùng mạnh. Gemadept có 35 năm kinh nghiệm trong ngành, có quan hệ đối tác với những hãng tàu hàng đầu thế giới. Với hệ sinh thái cảng và logistics được mở rộng, trong thời gian tới, Gemadept tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư hoạt động cốt lõi để làm giàu thêm hệ sinh thái cảng và logistics của công ty, tham gia vào các dự án quốc gia, đầu tư phát triển cảng xanh, thông minh, đáp ứng tốt yêu cầu của các hãng tàu đối tác và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
- Một vấn đề được nhà đầu tư, cổ đông quan tâm khác là tiến độ thoái vốn khỏi mảng cao su của Gemadept?
Các điều kiện để thoái vốn mảng cao su đang tốt hơn cho Gemadept, từ việc có nhiều đối tác đang đàm phán hơn, thị trường mủ cao su cải thiện đến thủ tục, giấy tờ sẵn sàng để chuyển nhượng.
Gemadept đã thành lập Ban dự án phụ trách thoái vốn. Hiện nay, công ty đang tích cực làm việc với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm, quan tâm thực sự đến dự án. Công ty kỳ vọng thoái vốn dự án trong năm 2025.
Xin cảm ơn ông/bà về cuộc trao đổi này!