Triển vọng nào cho Gemadept trước “cơn bão” thuế quan?

Dù phải chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, song triển vọng kinh doanh năm 2025 của Gemadept (HoSE: GMD) vẫn tương đối sáng sủa, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, nhờ một loạt yếu tố hỗ trợ.

“Mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”

Là doanh nghiệp cảng biển và logistics hàng đầu Việt Nam, Gemadept được xem là một trong những đơn vị hứng chịu tác động mạnh của “cơn bão” thuế quan từ chính quyền Mỹ, do sự sụt giảm đơn hàng xuất – nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Điều này đã được phản ánh ngay vào giá cổ phiếu GMD, giảm từ vùng 66.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm xuống khoảng 46.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2025.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, thị giá GMD đã có sự phục hồi nhất định, tăng lên 51.000 đồng/cổ phiếu. Đằng sau diễn biến này không chỉ là nhịp hồi kỹ thuật mà quan trọng hơn, còn xuất phát từ sự đánh giá lại một cách khách quan triển vọng của Gemadept trong bối cảnh hiện nay.

Theo bà Chế Thị Mai Trang – Trưởng phòng Phân tích Ngành hàng công nghiệp, Chứng khoán HSC, Gemadept sẽ không bị tác động lớn bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Nguyên do là tại Nam Đình Vũ – cảng lớn nhất của Gemadept tại Hải Phòng, hàng xuất Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10%, trong khi bình quân khu vực này là 12%. Còn tại Cái Mép, nơi Gemadept sở hữu cảng nước sâu Gemalink, hàng xuất Mỹ chỉ chiếm 32%, trong khi bình quân khu vực này là 50% - 55%. Ngoài ra, Gemadept cũng tìm được những tuyến tàu mới để bù đắp sản lượng bị sụt giảm tại thị trường Mỹ.

Trên thực tế, lượng hàng xuất Mỹ đã ít hơn trong giai đoạn vừa qua, nhưng điều “an ủi” cho Gemadept là hàng nhập từ Mỹ lại tăng lên. Bên cạnh đó, hàng trong khu vực nội Á cũng tăng khi doanh nghiệp sản xuất trong nước cố gắng đa dạng hóa thị trường để giảm ảnh hưởng từ thị trường Mỹ.

Trong ngắn hạn, điển hình là quý II/2025, doanh nghiệp trong nước sẽ đẩy mạnh xuất hàng để tranh thủ thời gian trước khi lệnh áp thuế của Mỹ có hiệu lực. Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng do doanh nghiệp tăng cường nhập nguyên vật liệu để tích trữ. Đây là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp cảng biển như Gemadept trong quý II/2025.

Không phải ngẫu nhiên tại cuộc thảo luận về triển vọng của Gemadept do Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, CEO Gemadept, tự tin rằng kết quả quý quý II/2025 của công ty này sẽ tăng trưởng mạnh, qua đó nâng kết quả kinh doanh 6 tháng lên mức hoàn thành 50% – 60% kế hoạch năm.

Theo ông, sau một thời gian tạm thời đóng băng do “sốc” thuế quan, các đơn hàng đang quay trở lại và có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn còn khoảng 60 ngày được tạm hoãn áp thuế của chính quyền Mỹ. Bởi vậy, lúc này các nhà sản xuất đang chạy đua để hoàn thành đơn hàng, giải tỏa nguyên vật liệu đã nhập, giảm tồn kho. “Tháng 5 – 6 sẽ là giai đoạn trọng điểm của ngành cảng biển, logistics và của Gemadept trong năm nay”, ông Bình nói.

Ông Bình cho hay thời gian qua, Gemadept đã làm việc với các hãng tàu, điều chỉnh tuyến tàu, cơ cấu khách hàng để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn Gemalink đã có tuyến tàu mới đi châu Phi, châu Âu, Canada. Vì vậy, công ty không có chủ trương giảm sản lượng đã đề ra. Cảng Nam Đình Vũ vẫn giữ mục tiêu 1,3 triệu TEU, cảng Gemalink giữ mục tiêu 1,7 – 1,8 triệu TEU. Công ty cũng giữ tỷ suất lợi nhuận thông qua việc nâng doanh thu trên mỗi container.

Đáng chú ý, ông Bình cho rằng Việt Nam sẽ có thể đón nhận một làn sóng container rỗng. Điều này cộng với việc Việt Nam có triển vọng hồi phục nhanh hơn các thi trường khác dẫn đến sản lượng, doanh thu của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ không bị biến động lớn.

Triển vọng nào cho Gemadept trước “cơn bão” thuế quan? - Ảnh 1

Thực tế cho thấy kết quả kinh doanh của Gemadept trong quý I/2025 không tệ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, doanh thu thuần đạt 1.277 tỷ đồng, lãi gộp đạt 561 tỷ đồng, cùng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng tiết giảm được 28% chi phí tài chính.

Do không còn ghi nhận lãi từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính dài hạn, doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm mạnh (giảm 92%). Điều này khiến lãi sau thuế quý I/2025 chỉ đạt 527 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước. Dù vậy, nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh cốt lõi, Gemadept vẫn đang tăng trưởng so với cùng kỳ. Cộng với triển vọng trong quý II/2025, việc công ty đạt được tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2024 là tương đối khả thi.

Tất nhiên, đó cũng chỉ là triển vọng của nửa đầu năm, còn cả năm phải đợi kết quả chính thức từ việc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam cũng như giữa Mỹ và các quốc gia khác. Kết quả hiện thời của Gemadept dẫu tốt, song cũng chỉ như cơn mưa làm mát mặt tạm thời. Ít nhất từ đây cho tới đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến tổ chức tháng 6/2025, giới quan sát mới nhìn rõ hơn nửa sau năm 2025 của công ty này.

Trợ lực thoái vốn và những lo âu

Dù chưa nhìn rõ bối cảnh của nửa sau năm 2025, nhưng Gemadept có hai trợ lực đáng kể cho việc kinh doanh trong thời gian tới. Một là theo chia sẻ của Giám đốc Tài chính Bùi Thị Thu Hương tại hội thảo do Chứng khoán HSC tổ chức, dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 sẽ đi vào khai thác vào tháng 11 hoặc tháng 12/2025, sớm hơn dự kiến ban đầu.

Hai là Gemadept đang đạt được các bước tiến tích cực trong việc thoái vốn khỏi mảng cao su. Bà Hương cho biết công ty đang làm việc với 3 nhà đầu tư. Nếu thành công, việc thoái vốn này sẽ mang lại dòng tiền rất lớn, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của Gemadept. Trong quá khứ, việc thoái vốn, như với thương vụ Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ, thường tạo nên những cú đột phá trong kết quả kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hẳn thuận lợi hoàn toàn cho Gemadept. Ít hay nhiều, công ty vẫn phải đối diện với nỗi lo cạnh tranh khi bến số 5 – 6 Lạch Huyện đi vào hoạt động, dù cho Nam Đình Vũ sở hữu nhiều lợi thế.

Trong dài hạn, tham vọng trở thành chủ dự án có ý nghĩa chiến lược là cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ đang gặp thách thức không nhỏ khi có nhiều đối thủ cạnh tranh, trong đó có đối thủ “siêu nặng kí” là một tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay. Dẫu không yếu hơn các đối thủ trong lĩnh vực cảng biển, nhưng để “xưng bá”, hành trình của Gemadept vẫn còn khá lắm chông gai.

Vĩnh Chi

Theo Vietnamfinance