Giá đất tại vành đai 4 đi ngang nhưng giao dịch 'tăng phi mã', bất động sản đã đến hồi ổn định?
Cuối năm qua, thị trường đất nền vành đai 4 Hà Nội đang có dấu hiệu khởi sắc khi lượng giao dịch có xu hướng tăng, dù giá bán toàn thị trường, nhìn chung chưa có chuyển biến đáng kể.
Vành đai 4 khởi công, giao dịch đất đai "tăng phi mã"
Cuối tháng 6, đường vành đai 4 chính thức được khởi công, được kì vọng tạo cú huých cho thị trường bất động sản khu vực, đặc biệt là thị trường đất nền vành đai 4, hưởng lợi từ tuyến đường chạy qua. Được biết, đường vành đai 4 có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó, đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài từ 2022 đã khiến thông tin hạ tầng giao thông tích cực trên cũng không đủ sức tạo nên cơn sóng thị trường bất động sản như giai đoạn thị trường nóng sốt các năm trước.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, thời điểm này lượng giao dịch của các thị trường “ăn theo” đường Vành đai 4 đang có xu hướng tăng lên đáng kể so với thời điểm giữa năm.
Theo môi giới tại huyện Thanh Oai chia sẻ, vào các ngày cuối tuần từ tháng 10 trở lại đây, số lượng nhà đầu tư từ trung tâm Hà Nội về xem đất đã tăng khoảng 20-30% so với trước đó.
Nếu những tháng trước, có nhiều tháng, cả thị trường đất nền khu vực không phát sinh giao dịch thì từ tháng 10 đến nay, ông chốt được trung bình 1-2 giao dịch. Nhiều môi giới khác cùng làm thị trường cũng có giao dịch thành công.
Tương tự, đất nền Mê Linh, nơi có đường vành đai 4 đi qua, lượng giao dịch từ tháng 10 cũng tăng so với đầu năm và giữa năm. Riêng một dự án đã có pháp lý rõ ràng và hạ tầng đồng bộ tại khu vực đang được mở bán tại đây ghi nhận trung bình đều đặn 8-15 giao dịch mỗi tháng.
Bên cạnh đó, với đất nền Đan Phượng, đất nền vị trí mặt đường Tân Lập vẫn đang duy trì mức giá 48-55 triệu đồng/m2; đất nền mặt đường Tân Hội vẫn đang ở mức giá 50 triệu đồng/m2 - mức giá của 5-6 tháng trước.
Đất nền khu vực Hà Đông, khu vực Yên Nghĩa nơi có đường Vành đai 4 đi qua vẫn đang được chào bán ở mức giá 58-64 triệu đồng/m2. Với đất nền Thanh Oai, khu vực gần đường Vành đai 4 giá vẫn được chào bán mức giá trung bình 55 triệu đồng/m2 là mức giá từ 5 tháng trước.
Khu vực đất nền Sóc Sơn, nơi có đường Vành đai 4 đi qua là Bắc Vọng, Bắc Phú, giá bán đang ở mức phổ biến là 11-17 triệu đồng/m2 (tuỳ vị trí). Đây là khu vực có mức tăng rõ nét khoảng 10% so với thời điểm giữa năm.
Giao dịch tăng cao đi cùng rủi ro cũng cao
Theo các chuyên gia, chuyện dự án làm cầu, làm đường mở đến đâu, bất động sản “sốt” tới đó là thực trạng nhiều năm nay và nhiều nhà đầu tư nhờ việc đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho rằng, chỉ những người có nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng. Đầu tư dạng này phải đầu tư dài hạn; khi không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn...
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này phải mang tính dài hạn.
"Thông tin về việc tăng nóng, sốt đất chỉ là chiêu thức của các đội lái để tạo sóng thị trường. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ về quy hoạch, tính thanh khoản để tránh rủi ro chôn vốn", ông Đính cảnh báo.
Chủ tịch VARS cũng cho rằng, khi quyết định rót vốn, nhà đầu tư phải nắm rõ hai yếu tố là dư địa tăng giá và tiến độ triển khai hạ tầng. Cách đây khoảng 1 năm, một số khu vực quanh tuyến đường Vành đai 4 đi qua đã có hiện tượng gom hàng, đẩy giá bất động sản lên cao.