Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2022: Chính sách đi vào cuộc sống người dân và doanh nghiệp
Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội thực hiện đã đi vào cuộc sống người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm này, một số chính sách như việc miễn, giảm thuế được dư luận đánh giá cao.
Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác như: hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, trước tình hình biến động của giá dầu thế giới tăng cao trong thời gian gần đây tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để thực hiện giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.
Thuộc thẩm quyền, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu NSNN khoáng 1.000 tỷ đồng.
Chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thời gian qua, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ và có thể khẳng định là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Đó là chưa kể những căng thẳng của tình hình địa chính trị trên thế giới, sẽ tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ phát huy vai trò, là động lực cho tăng trưởng.
Cái khó trong những năm gần đây vì là các năm đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, muốn thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, phải phấn đấu qua từng tháng, từng năm, nếu buông lỏng các mục tiêu tăng trưởng, hệ quả là sẽ dồn áp lực vào cho các năm cuối nhiệm kỳ, khi đó việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đây được cho là những giải pháp khá kịp thời, dài hơi, kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm tới 83% trong tổng số các nhiệm vụ của Chương trình này, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại có đóng góp vào ngân sách.
Về nguồn lực thực hiện chương trình, Bộ Tài chính trên cơ sở rà soát nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc bổ sung dự toán chi đầu tư cho Chương trình năm 2022, bao gồm cả các nhiệm vụ tín dụng; cập nhật tác động của Chương trình tới khả năng thu ngân sách năm 2022, để xác định nhu cầu nguồn lực cho Chương trình năm 2022 theo quy định và trình Chính phủ theo kế hoạch đề ra.
Những kết quả tăng trưởng trong quý I/2022 cho thấy, các chính sách đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, do đó, cần tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình là hết sức quan trọng.
Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.