Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM lập đỉnh lịch sử
(CL&CS) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bán lẻ tại TP.HCM ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ, đặc biệt tại những vị trí đắc địa cán mức cao kỷ lục 350 USD/m2/tháng.
Giá thuê tăng nhưng không đồng đều
Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 2/2022 được Cushman & Wakefield và CBRE Việt Nam công bố gần đây đã chỉ ra sự không đồng đều trong giá thuê mặt bằng bán lẻ: cao ở trung tâm, giảm dần ở ngoại thành.
Cụ thể, theo CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình đối với tầng trệt và tầng 1 ở các trung tâm thương mại (TTTM) tại các khu vực trung tâm TP.HCM đã lập đỉnh mới 206 USD/m2/tháng. So với năm 2021, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đây đã tăng khoảng 50%.
Đáng chú ý, giá thuê tại những TTTM nằm ở vị trí đắc địa, sầm uất thậm chí còn dao động ở mức 250 - 350 USD/m2/tháng. Trái ngược, mặt bằng giá thuê tại khu vực ngoài trung tâm thành phố ghi nhận thấp hơn đáng kể, trung bình khoảng 37 USD/m2/tháng chưa bao gồm thuế VAT và phí dịch vụ.
Báo cáo của Cushman & Wakefield cũng cho thấy sự phân hóa tương tự trong giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM. Giá thuê cao nhất được Cushman & Wakefield ghi nhận tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) có giá lên đến 350 USD/m2/tháng (chưa tính thuế VAT), tương đương hơn 8,2 triệu đồng/m2/tháng (tính theo tỉ giá mới nhất). Đây là mức giá thuê cao nhất trong lịch sử.
Mặc dù vậy, Cushman & Wakefield cho biết, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ là trường hợp cá biệt ghi nhận mức giá thuê cao kỷ lục, chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, không có giá trị đại diện cho thị trường chung.
Bằng chứng là, mặt bằng giá thuê trung bình tại những khu vực khác thuộc trung tâm quận 1 chỉ dao động từ 200 - 300 USD/m2/tháng. Trong khi đó, giá thuê trung bình tại 5 TTTM lớn nhất tại quận 1 cũng chỉ dao động trong khoảng 120 - 150 USD/m2/tháng.
Tỷ lệ lấp đầy khả quan
Bên cạnh sự tăng trưởng mặt bằng giá cho thuê, tỷ lệ trồng tại các TTTM tại TP.HCM cho thấy xu hướng giảm so với những năm xảy ra đại dịch Covid-19 (2019 - 2021). Nhưng cũng tương tự giá thuê, tỷ lệ này cũng phân bố không đồng đều.
Theo CBRE Việt Nam, tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP.HCM tuy có sự chênh lệch, nhưng nhìn chung không ở mức quá cao. Cụ thể, tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm chỉ còn ở mức 4%, còn tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm cao nhất cũng chỉ ở mức 12%.
Trong khi đó, theo Cushman & Wakefield, tỷ lệ trống tại thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong quý 2/2022 ghi nhận là 5,1%, giảm 0,4% so với quý 1. Tỷ lệ này trong giai đoạn 2019 - 2021 luôn neo trên mức 6%.
Cushman & Wakefield dự báo, những nơi còn trống cũng sẽ nhanh được lấp đầy bởi phần lớn các khách thuê, nhất là trong ngành thời trang, vẫn cần mặt bằng cho cửa hàng trưng bày. Hơn nữa, những khách thuê “sống sót” qua giai đoạn Covid-19 đang dần quay trở lại kinh doanh, kéo theo nhu cầu tìm kiếm mặt bằng kinh doanh gia tăng.
Về nguồn cung, CBRE Việt Nam cho biết, thị trường TP.HCM dự kiến sẽ đón thêm 1 nguồn cung mới vào cuối năm 2022 với diện tích 35.000m2 NLA từ TTTM Thiso (Socar Mall cũ), và 230.000m2 NLA trong 2 năm tiếp theo.
CBRE kỳ vọng rằng với nhu cầu thuê tại các vị trí đắc địa tiếp tục được duy trì, các gian hàng cho thuê ở khu vực trung tâm thành phố và dọc các tuyến phố chính sẽ được săn đón nhiều trong thời gian tới, đẩy giá thuê ở những khu vực này tiếp tục tăng.
Giá thuê sẽ tiếp tục tăng
CBRE Việt Nam cho biết, từ đầu năm nay, nhiều thương hiệu quốc tế đã “bước chân” vào thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới. Chưa kể, nhiều thương hiệu, lĩnh vực đã có mặt khác cũng có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh.
Điều đáng nói là, tại TP.HCM không ghi nhận nguồn cung mới trong thời quan qua. Tổng nguồn cung hiện tại chỉ dừng lại ở con số gần 1,1 triệu m2. Trong bối cảnh nhu cầu mặt bằng kinh doanh tăng mạnh do kinh tế trong nước phục hồi, nhiều thương hiệu cũ mở rộng kinh doanh, nhiều thương hiệu mới rục rịch đổ bộ sẽ làm giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.